Multimedia Đọc Báo in

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Sen trong ký ức của người thân và đồng đội

09:12, 27/07/2012

Một ngày tháng Bảy, tôi tìm đến căn nhà ở số 39A Trần Cao Vân. Căn nhà lặng lẽ, lặng lẽ như những chiến công thầm lặng mà người Anh hùng đã cống hiến cả tuổi trẻ và cuộc đời cho đất nước...

Bà Lê Thị Duyệt, vợ của người Anh hùng LLVTND Nguyễn Sen giờ đã ở tuổi thất thập nhưng khi gợi nhắc đến những năm tháng chiến tranh ác liệt một thời, ký ức bà lại mở ra như những thước phim. Bà bảo: cuộc đời có nhiều thứ sẽ bị lãng quên nhưng năm tháng khó khăn nhất  mà cũng hạnh phúc nhất đó là những ngày tháng cùng chồng vào sinh ra tử thì sẽ theo bà mãi mãi. Bằng ký ức của tình yêu, bà đã vẽ lại cho tôi một hình dung chân thực về người anh hùng, một người đàn ông trầm tĩnh mà quyết đoán. Phải chăng những phẩm chất ấy đã giúp một Nguyễn Sen sống và hoạt động cách mạng ngay trong lòng địch mà không nao núng tinh thần.

Bà Lê Thị Duyệt kể lại  những chiến công của Anh hùng Nguyễn Sen.
Bà Lê Thị Duyệt kể lại những chiến công của Anh hùng Nguyễn Sen.

Năm 1960 bà và ông kết hôn, sau đó ông bị địch bắt đi quân dịch, làm lính lái xe rồi bị đẩy lên Tây Nguyên. Từ một lái xe cho Chi khu Lạc Thiện, Nguyễn Sen được một vị trung tá của Sư đoàn bộ 23 Ngụy chú ý, sau đó trở thành người khá thân thiết bên cạnh vị trung tá đầy quyền lực. Năm 1963 bà sinh đứa con trai đầu lòng. Sau khi chuyển về Buôn Ma Thuột, cuộc sống của bà bắt đầu có nhiều thay đổi. Ngày ông trở thành người “thân tín” với viên trung tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23, cũng là ngày ông được giác ngộ cách mạng, trở thành một chiến sĩ của cơ sở nội tuyến TP. Buôn Ma Thuột. Bà thấy ông gần như lột xác thành một con người khác với những bí mật mà mãi sau này ông mới chia sẻ với bà mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ được cách mạng giao phó. Lúc đó bà mới biết chồng bà luôn phải đối mặt với những hiểm nguy mà chỉ cần một lời nói sơ suất, một hành động bất cẩn thì có thể nguy hiểm đến tính mạng bất kỳ lúc nào.

Bà Duyệt nhớ lại: “Vào một đêm mà chỉ còn 3 ngày nữa là đón Tết Nguyên đán, ông trở về nhà trong tâm trạng lo âu gần như lộ rõ trên từng nếp nhăn trên trán. Một đêm trằn trọc thao thức, nhìn nét đăm chiêu của chồng, rồi tiếng ông nói thì thầm vào tai “Lần này anh được cách mạng giao nhiệm vụ đặc biệt, có thể sau lần này sẽ đi thoát ly luôn ở vùng căn cứ, không thể ở lại nội tuyến nữa. Em ở lại gắng  giữ gìn và gắng sống để nuôi con.” Tiếng của ông như nghẹn lại khi nhắc đến từ “con” rồi quay sang nhìn 2 đứa, một lên năm, một mới tròn 2 tuổi đang ngủ say. Tôi động viên chồng và tự nhủ với lòng sẽ kiên trung, cố gắng sống nuôi con và chờ đợi...” Thế nhưng đêm đó cũng là đêm cuối cùng ông và bà gặp nhau. Sau tiếng nổ đinh tai vang lên tại phòng hành quân của Sư đoàn bộ 23 vào sáng 28 Tết Mậu Thân, hơn 60 sĩ quan và binh lính Ngụy có mặt trong phòng họp bị khối thuốc nổ mà Nguyễn Sen cài sẵn trong cây thuốc lá Rubi làm nổ tung, không còn ai sống sót, trừ viên Phó tư lệnh của Sư đoàn may mắn thoát chết. Nguyễn Sen đã nhanh chóng rời Buôn Ma Thuột về Căn cứ tiền phương Ea Na gặp Bí thư Thị ủy- Chín Ái.

 Khi nhắc về chiến công của Nguyễn Sen, vừa là người trực tiếp được mình giác ngộ dìu dắt trong những ngày đầu hoạt động cách mạng nhưng cũng là người bạn, người đồng đội thân thiết, ông Nguyễn Hữu Trí xúc động kể: “Nguyễn Sen là người ít nói nhưng rất quyết đoán. Khi đến với cách mạng, anh luôn muốn trực tiếp cầm súng. Ngày Nguyễn Sen đến gặp Bí thư Thị ủy nhận nhiệm vụ của kế hoạch táo bạo dùng cơ sở nội tuyến đánh vào cơ quan đầu não Sư bộ 23 Ngụy được thông qua tại căn cứ tiền phương Ea Na, Sen đã tỏ rõ sự quyết tâm. Và chính bởi quyết tâm đó mà Sen đã chuẩn bị thật cẩn thận cho hành động của mình, vì việc đánh chất nổ trong cuộc họp quan trọng của Sư bộ 23, khi tình hình an ninh được kiểm soát nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì ranh giới giữa sống – chết, thành – bại chỉ mỏng như sợi tóc. Hồi đó, để bảo đảm an toàn cho gia đình Sen và bảo toàn lực lượng ở cơ sở sau khi Sen thực hiện xong nhiệm vụ, Chi bộ Đảng đã phân công các đồng chí Sáu Gia, Mười Phu, gia đình ông Mười đen, Sáu sang trực tiếp bám sát gia đình Sen để giúp đỡ, ứng phó kịp thời lúc khẩn cấp. Đúng 7 giờ, Nguyễn Sen chở viên trung tá, Phó Tư lệnh Sư đoàn đến phòng họp, hơn 60 sĩ quan Ngụy đã về đông đủ. Như thông lệ, Nguyễn Sen mang vào phòng họp 2 cây thuốc lá Rubi đỏ và bóc ra mời hết lượt các sĩ quan có mặt trong phòng họp, số  thuốc còn lại có gài sẵn chất nổ đã hẹn giờ, Nguyễn sen đặt vào bàn nước ngay cửa ra vào rồi cáo lui. Chỉ mười lăm phút sau, tiếng nổ đinh tai vang lên từ phòng hành quân như một “tín hiệu” báo sự thành công của kế hoạch; Nguyễn Sen trở về căn cứ an toàn. Kế hoạch gần như thành công đến hoàn hảo.

Sau vụ nổ, ý chí chiến đấu của binh lính địch vốn đang dao động càng trở nên rệu rã, còn với lực lượng vũ trang, du kích, tự vệ mật của ta thì vụ nổ làm bùng nổ ý chí quyết chiến quyết thắng vốn đang sục sôi trong mỗi người chiến sĩ, mỗi người dân. Sau chiến công đó, Nguyễn Sen  tiếp tục được giao nhiệm vụ dẫn đường cho Tiểu đoàn Bộ binh 301 đánh vào các mục tiêu then chốt ở nội thị gồm: Ty Ngân khố, Tòa Hành chính, Tiểu khu… Đúng 0 giờ 45 đêm giao thừa, các dàn hỏa tiễn mặt đất của quân ta đồng loạt phát hỏa, các mục tiêu nhanh chóng bị quân ta vây hãm, phong tỏa. Các ổ đề kháng của địch nhanh chóng bị quân ta tiêu diệt. Trong lúc dẫn đường cho một mũi đột kích vào Sư bộ 23 thì Nguyễn Sen bị trúng đạn.  Anh được nhanh chóng đưa về điều trị ở bệnh viên Khu Giải phóng, và bị cắt đi ½ lá phổi. Sau khi sức khỏe hồi phục, Nguyễn Sen tiếp tục được tổ chức giao làm công tác binh vận. Mặc dù ít nói, nhưng Nguyễn Sen lại là người khá tháo vát, giỏi giang trong công tác binh vận. Nhiều gia đình binh lính, sĩ quan ngụy quyền đã nghe theo lời khuyên của anh mà gia nhập quân Giải phóng. Anh cũng là người dẫn đường đưa các lãnh đạo Thị ủy vào các buôn ấp trong nội thị. Sau mùa Xuân năm 1968, những vùng hoạt động ven thị đều bị địch sử dụng các loại mìn định hướng (clây mo) sát thương trong phạm vi rẻ quạt nên đã gây tổn thất cho hoạt động của quân ta. Chính lại là Nguyễn Sen tìm cách gỡ mìn, mặc những hiểm nguy rình rập. Nhiều quả mìn được gỡ, chuyển cho các đồng chí trong đội biệt động sử dụng cài trở lại để tiêu diệt địch. Tháng 4 năm 1972, sau khi hoàn thành  nhiệm vụ đưa mật lệnh tấn công Xuân – Hè vào nội thị, Nguyễn Sen đã trúng đạn và ngã trước cửa ấp. Bọn địch nhận ra anh và chúng đã kéo lê xác anh từ cửa ấp đến cầu 14 rồi kéo về để trả thù. Trước hành động dã man của địch, đồng bào và du kích ở Đạt Lý đã tìm cách cướp xác của anh về chôn cất mai táng cẩn thận. Bà Duyệt sau ngày bị địch bắt bớ, tra tấn, tổ chức Đảng nội thị đã thu xếp đưa gia đình bà rời Buôn Ma Thuột về quê ở Quảng Trị. Sau giải phóng, năm 1978, bà đã trở lại Buôn Ma Thuột để đưa hài cốt của ông về an táng tại quê nhà. Cơ duyên, hai người con của ông sau khi tốt nghiệp đại học, trở lại lập nghiệp trên chính mảnh đất mà ông đã hy sinh, nơi ông đã cống hiến tuổi xuân, cuộc đời cho cách mạng…

Ghi nhận những chiến công xuất sắc, năm 2010 Nguyễn Sen được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Còn trong ký ức của người thân, của bạn bè, đồng đội, ông mãi là tấm gương về lòng quả cảm,  sống quên mình và biết hy sinh khi tổ quốc cần…

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc