Multimedia Đọc Báo in

Chuyện của Mẹ Thang

09:26, 27/07/2012

Được gặp và nghe những câu chuyện của Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Thang (thôn 25, xã Ea Ninh – huyện Cư Kuin) mới cảm nhận được những nỗi đau thương, mất mát và sự hy sinh lặng thầm, cao quý của những người phụ nữ đã dành cả cuộc đời cho tổ quốc.

Mẹ Thang bên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ  trong gia đình.
Mẹ Thang bên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ trong gia đình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tình nghĩa được UBND huyện Krông Ana (cũ) xây dựng, những ký ức đau thương, mất mát của chiến tranh như vẫn còn in hằn trên khuôn mặt và từng câu chuyện Mẹ kể. Mẹ Thang sinh năm 1926, quê ở xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1967, người con đầu của Mẹ là chiến sĩ Phan Đình Vinh đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh lớn ở mặt trận Bình Đào – Thăng Bình khi tuổi đời con rất trẻ. Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, trong đó ngôi làng nhỏ quê mẹ là một trong những địa điểm bị địch đánh phá, càn quét tàn khốc nhất khu vực Quảng Đà. “Đầu năm 1969, ông ấy (liệt sĩ Phan Hội, chồng của Mẹ - PV) là cán bộ mặt trận bám trụ lại địa bàn sau một trận càn cũng hy sinh vì bom đạn đánh sập hầm. Không lâu sau đó, thằng Ba (liệt sĩ Phan Đình Vĩnh, con trai thứ hai của Mẹ - PV) cũng theo ba và anh nó…” - giọng Mẹ Thang nghẹn ngào. Nỗi đau thương, mất mát quá lớn liên tục ập xuống càng làm tăng thêm lòng căm thù quân xâm lược. Vượt lên tất cả, ở nơi sơ tán, người phụ nữ nhỏ bé nhưng kiên trung, bất khuất ấy ngày ngày quang gánh nuôi 5 con nhỏ và âm thầm làm công tác liên lạc, hậu cần phục vụ Cách mạng.

Sau ngày giải phóng, Mẹ Thang cùng các con đi kinh tế mới tại Buôn Trấp – Krông Ana, và một “cuộc chiến đấu” mới lại bắt đầu - đó là vượt qua khó khăn, vất vả của buổi đầu trên mảnh đất Tây Nguyên mà tất cả mọi gánh nặng đều đặt lên vai Mẹ. Rồi nỗi đau cũng dần nguôi ngoai, khó khăn qua đi, Mẹ được vui vầy bên các con, cháu, chắt bên cạnh nhà của người con trai út Phan Đức Na từ năm 1983. Cô Phan Thị Bốn, con gái thứ tư của Mẹ Thang chia sẻ: “Mẹ có 15 người cháu, 10 người chắt, Mẹ hay kể chuyện về ông và hai bác cho các cháu nghe để bọn trẻ biết truyền thống gia đình và sự hy sinh của những người đi trước”. Lâu nay, Mẹ lấy ngày hy sinh của chồng là ngày 16-5 âm lịch làm ngày giỗ chung cho chồng cùng hai con và hằng năm, cả gia đình đều về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Thăng Bình – Quảng Nam hương khói cho các liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước.  Trong sâu thẳm cõi lòng Mẹ vẫn còn một nỗi day dứt khi nhìn lên bàn thờ chồng và 2 con bởi: “Những kỷ vật cuối cùng đều bị  cháy và thất lạc hết trong chiến tranh nên cả ba người đều không có ảnh để thờ”…!

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc