Multimedia Đọc Báo in

Ngân vang tiếng hát then, điệu đàn tính

09:29, 10/02/2017

Cứ mỗi mùa Xuân mới, với đồng bào dân tộc Tày ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) là dịp tiếng hát then, điệu đàn tính vang lên trong lễ hội Lồng Tồng và trong các hoạt động văn hóa của cộng đồng. Điệu hát then gắn với cây đàn tính được đồng bào Tày gửi gắm vào những tình cảm tha thiết nhất, không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu với quê hương đất nước...

Nghệ nhân Lô Hoàng Hiếu (SN 1938) ở thôn 2 là người duy nhất chế tác được loại nhạc cụ truyền thống gắn với điệu hát then của người Tày trên địa bàn xã Cư M’gar. Ông kể, do đam mê điệu hát then từ thời trai trẻ nên năm 1967, khi còn đi bộ đội ông đã học đàn, học hát và mày mò tìm cách làm đàn tính. Năm 1990, sau khi di cư từ Cao Bằng vào Đắk Lắk lập nghiệp, ông tự làm những cây đàn tính để chơi trong những lúc nông nhàn. Đến năm 2006, nhận thấy nhu cầu hát then của người dân ngày càng nhiều mà trong vùng lại chưa có ai làm ra được đàn tính nên ông bắt tay vào làm đàn để bán. Theo ông Hiếu, để làm ra được một cây đàn tính vừa “đạt” về hình dáng và “chuẩn” về âm thanh là không hề dễ dàng. Cần đàn phải được làm từ cây gỗ nhẹ như tếch, xoan hay bằng lăng trắng. Bầu đàn phải là loại bầu tròn do người Êđê trồng mà thường thì ông phải lặn lội xuống tận Đắk Nông để mua. Mặt đàn được làm từ loại gỗ ép có 2 lớp. Từng lỗ khoan trên bầu đàn phải thật chuẩn xác để tạo nên âm trầm, âm bổng và độ vang khi gảy… “Làm một cây đàn tính tốn rất nhiều công sức, mua nguyên liệu đã khó, rồi thì phải làm liên tục 3 - 4 ngày mới xong được một cây đàn. Một cây đàn tính tôi bán ra chỉ 500 nghìn đồng nhưng chi phí để mua nguyên liệu đã hết 350 nghìn đồng. Tôi thích và vẫn tiếp tục làm đàn là do tình yêu của mình với điệu hát then mà thôi” - ông Hiếu chia sẻ.

Nghệ nhân Lô Hoàng Hiếu đang say mê trong điệu hát then, tiếng đàn tính.
Nghệ nhân Lô Hoàng Hiếu đang say mê trong điệu hát then, tiếng đàn tính.

Mới đây, trong Liên hoan nghệ thuật tạc tượng, đan lát, chế tác nhạc cụ dân tộc huyện Cư M’gar, nghệ nhân Lô Hoàng Hiếu đã xuất sắc giành giải A với phần thi chế tác cây đàn tính.

Chị Lục Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát then Quê Hương, xã Cư M’gar cho hay, xuất phát từ những nhu cầu thực tế của người dân và niềm đam mê, chị đã tập hợp những người Tày yêu thích điệu hát then để thành lập CLB. Để có cơ hội và không gian diễn xướng những điệu hát then, nhịp đàn tính, những thành viên trong CLB đã tự đứng ra tổ chức lễ hội Lồng Tồng trong nhiều năm liên tiếp với sự hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương. Nhận thấy ý nghĩa của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ hội Lồng Tồng, hai năm gần đây UBND xã Cư M’gar đã đứng ra tổ chức lễ hội. Nhờ đó mà không khí mùa xuân nơi đây thêm vui tươi hơn.

Từ niềm đam mê đối với điệu hát then, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1977) ở thôn 5, xã Cư M’gar đã học theo mẹ, theo chị để biết hát then, đánh đàn tính từ khi còn rất bé. Mặc dù cùng gia đình từ Cao Bằng vào lập nghiệp tại xã Cư M’gar đã được 26 năm, nhưng điệu hát then của dân tộc mình vẫn luôn “sống” mãi trong chị. Không muốn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình bị mai một, chị Phương đã tham gia CLB hát then Quê Hương. Hiện CLB có gần 20 người nhưng chỉ có chị Phương và một người nữa là vừa biết đàn lẫn biết hát. Mỗi khi trong làng, trong xã có việc, hay tại lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào mùng 6 Tết, chị Phương cùng các anh, chị, cô bác trong CLB lại háo hức đi diễn.

Trong xu thế hội nhập và phát triển, để lưu giữ và phát huy những nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc rất cần sự nỗ lực gìn giữ của những con người giàu tâm huyết và lòng say mê. Tình yêu với điệu hát then, đàn tính của những người như ông Hiếu, chị Huệ, chị Phương đã góp phần lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc, hồn cốt quê hương mình trên mảnh đất Tây Nguyên.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.