“Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”
Trước tác động tiêu cực của dịch COVID-19, năm 2021 ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã nỗ lực vượt khó, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Những dấu ấn này là tiền đề để toàn ngành tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm 2022. Giám đốc BHXH tỉnh NGUYỄN KHẮC TUẤN đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Đắk Lắk xoay quanh nội dung này.
Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn. |
Thưa ông, năm 2021 đi qua trong điều kiện hết sức khó khăn, song BHXH Đắk Lắk đã tập trung cao độ, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra. Ông có thể chia sẻ một vài dấu ấn của năm 2021?
Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, tình trạng người lao động mất việc làm xảy ra nhiều, số người tham gia BHYT cũng giảm sâu do không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng khi Quyết định 861/QĐ-TTg có hiệu lực...
Tuy nhiên, với sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức BHXH cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành BHXH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; góp phần quan trọng đảm bảo đời sống người dân, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh. Đó là số người tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện trong năm 2021 vượt so với năm 2020; số người tham gia BHYT vẫn duy trì độ bao phủ trên toàn tỉnh đạt gần 91% dân số.
Đồng thời, trong năm 2021, ngành BHXH tỉnh luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên như: Bảo đảm chi trả các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản đúng, đủ, linh hoạt, nhất là chi trả lương hưu, mở rộng chi trả qua tài khoản ngân hàng nên đã hạn chế việc tiếp xúc, đi lại của người hưởng, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt giải quyết kịp thời chế độ cho người thụ hưởng các gói hỗ trợ của Đảng, Nhà nước.
Năm 2022, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp, những thách thức đặt ra cho BHXH tỉnh là gì, thưa ông?
Năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng cũng sẽ rất khó khăn vì dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chưa nhiều, vì vậy việc tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian tới cũng là một trở ngại rất lớn.
Bên cạnh đó, việc phát triển BHXH tự nguyện trong năm 2022 vẫn rất khó khăn, bởi vì hiện tại người dân tham gia đóng BHXH tự nguyện theo mức đóng tối thiểu. Theo chuẩn nghèo của năm 2021 trở về trước, mức đóng tối thiểu chỉ có 700 nghìn đồng, còn từ năm 2022 trở đi, tại thành phố chuẩn nghèo mới là 2 triệu đồng, còn nông thôn là 1,5 triệu đồng, vì thế mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng lên gấp đôi.
Cùng với đó, trong năm 2021, khi Nghị quyết 861 của Chính phủ và Quyết định 612 của Ủy ban Dân tộc có hiệu lực, toàn tỉnh đã giảm khoảng 168 nghìn người tham gia BHYT. Đó là những khó khăn, thách thức rất lớn đặt ra cho ngành.
Cán bộ BHXH huyện Ea Kar tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT. |
Vậy, ngành BHXH tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao?
Trong bối cảnh đại dịch tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, hơn bao giờ hết, việc thích ứng an toàn và linh hoạt với trạng thái bình thường mới là yêu cầu bắt buộc ngành BHXH phải thực hiện. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các sở, ban, ngành, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh và HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 18 về hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng, gồm hộ cận nghèo, hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình, học sinh, sinh viên. Đó là những đòn bẩy để ngành có thêm cơ sở vận động, tuyên truyền.
Một vấn đề nữa BHXH tỉnh vẫn phải làm trong năm 2022 đó là thích ứng tuyên truyền người dân tham gia BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức. Ngoài việc duy trì các hình thức truyền thống, chúng tôi đã mở rộng tất cả các kênh tuyên truyền trên không gian mạng để người dân tiếp cận được nhiều thông tin về chính sách BHXH, quyền lợi thụ hưởng, nghĩa vụ của người tham gia để làm sao lượng người tiếp cận với thông tin ngày càng nhiều hơn, ý thức được ý nghĩa nhân văn của việc tham gia các loại hình BHXH, BHYT để tạo nên một cộng đồng chia sẻ về an sinh xã hội.
Một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức phục vụ người dân và doanh nghiệp. Năm 2022, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành BHXH luôn giáo dục ý thức phục vụ trong toàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hướng đến hoàn thành mục tiêu chung của cả nước là 37 - 38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tham gia BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số.
Đối với những thay đổi về mặt chính sách, BHXH đang phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội xây dựng chính sách theo đúng Nghị quyết 28 của Chính phủ là xây dựng một chính sách đa tầng, để làm sao chúng ta có lưới an sinh rộng hơn cho người dân. Còn về mức đóng BHXH, BHYT, chúng tôi đang nỗ lực vận động, tuyên truyền người dân tham gia. Đồng thời chúng tôi cũng mong rằng các tổ chức đoàn thể xã hội, tổ chức từ thiện, kể cả ngân sách của địa phương, nếu có thể cân đối được thì hỗ trợ thêm cho người dân khi tham gia BHXH, từ đó mới tạo được thói quen, ý thức tham gia BHXH để tự lo cho bản thân họ khi về già.
Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc