Multimedia Đọc Báo in

Công tác tuyên truyền trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

18:45, 23/09/2021

Năm 1930, phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra sôi nổi với các cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh; trong đó, cuộc biểu tình của 8.000 nông dân ở Hưng Nguyên, Nam Đàn ngày 12-9-1930 đã trở thành đỉnh cao của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Để có được ngọn lửa cách mạng dâng cao như vậy, một trong những vũ khí sắc bén của Đảng là công tác tuyên truyền đã góp phần tích cực cổ động quần chúng, làm nên những thắng lợi của phong trào cách mạng.

Trong Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản (ngày 27-10-1929) về việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương có nêu rằng, Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương phải lập tức xuất bản báo chí của mình để tuyên truyền, giải thích đường lối cách mạng của mình và Quốc tế Cộng sản. Bởi vậy, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, công tác tuyên truyền được chú trọng. Đó cũng là cơ sở cho hoạt động báo chí, truyền đơn, khẩu hiệu, biểu ngữ… của Đảng ở Nghệ Tĩnh trở nên phong phú và mang nhiều sắc thái.

Tháng 10-1930, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành nghị quyết về việc xuất bản những tờ báo địa phương. Theo đó, ở Hà Tĩnh, nhiều loại báo ra đời và được lưu hành rộng rãi như: báo Tự cứu của huyện Can Lộc, Tiếng gọi của huyện Thạch Hà, Cổ động của huyện Đức Thọ, Bước tới của Cẩm Xuyên... Ở Nghệ An, huyện bộ Anh Sơn ra báo Gương vô sản, huyện bộ Quỳnh Lưu với báo Lao động, báo Nhà quê của huyện bộ Thanh Chương, báo Giác ngộ của huyện bộ Nam Đàn, báo Dân nghèo của huyện bộ Nghi Lộc... Mặc dù chỉ được lưu hành trong phạm vi hẹp, nhưng tờ báo của các tỉnh đã cụ thể hóa công tác chỉ đạo của Đảng đến các cấp cơ sở và gắn chặt với những hoạt động cách mạng của quần chúng nhân dân.

Tranh “Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh”. Ảnh: Bảo tàng lịch sử

Khi phong trào đấu tranh của quần chúng cùng với Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, báo Người lao khổ ra mắt số báo đầu tiên (đến tháng 10-1930, đổi tên thành Lao khổ và tháng 1-1931, đổi tên là Công nông binh), tên tuổi tờ báo, nội dung, phương thức tuyên truyền gắn liền với cao trào cách mạng 1930 - 1931, đấu tranh vì dân cày nghèo; đoàn kết công nông. Số thứ hai của tờ báo ra ngày 2-5-1930 đã kịp thời góp phần cổ vũ và định hướng phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong số đặc biệt ra ngày 6-9-1930, báo Người lao khổ có bài viết với tựa đề “Nghệ An “đỏ” đang đấu tranh”, từ đó thuật ngữ Nghệ An “đỏ” bắt đầu xuất hiện trên mặt báo chí công khai lúc bấy giờ.

Từ giữa năm 1931, mặc dù gặp nhiều khó khăn, công tác tuyên truyền, cổ động của Đảng vẫn được nỗ lực duy trì. Bên cạnh việc in và phát hành các tờ báo thì những chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy đều được in thành truyền đơn, tiêu biểu như truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh em binh lính đoàn kết vạch trần âm mưu của đế quốc Pháp liên hiệp với vua Xiêm để tiêu diệt cách mạng Việt Nam; truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh chị em thợ thuyền Vinh – Bến Thủy đứng lên biểu tình, bãi công chống đế quốc phong kiến nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1-5-1931… Ngoài ra, để cổ vũ và khích lệ phong trào cách mạng, còn có các hình thức cổ động bằng cờ, biểu ngữ và khẩu hiệu như: “Bỏ sưu thuế, bớt giờ làm, chống khủng bố trắng”, thậm chí là “Chia lại ruộng đất”, “Đả đảo chủ nghĩa đế quốc, đả đảo phong kiến” ở khắp các huyện từ Nam Đàn, Thanh Chương, Can Lộc. Phong trào đã phát triển đến Anh Sơn, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh...

Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh (thị trấn Nghèn - Can Lộc- Hà Tĩnh). Ảnh: BNA

Ngoài ra, các cấp bộ Đảng còn sử dụng hình thức thơ ca truyền miệng với nội dung ca ngợi Cách mạng Tháng Mười Nga, ca ngợi tinh thần hy sinh anh dũng của người cách mạng... như tác phẩm: Bài ca cách mạng của Đặng Chính Kỷ, Trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy Nghệ An; Giới thiệu Liên Xô của Trương Văn Lĩnh...  Trong các làn điệu dân ca hò vè, tuồng, kịch đều mang đậm sức sống cách mạng của người dân Nghệ - Tĩnh. Có nhiều làng thành lập tổ văn nghệ của thanh niên như: làng Nguyệt Bổng (huyện Thanh Chương), làng Hữu Biệt (huyện Nam Đàn)... Tại các buổi đấu tranh, lễ truy điệu hay phiên chợ, nơi tụ họp đông người đều có cán bộ tuyên truyền đứng lên diễn thuyết cho đồng bào nghe. Họ vừa là những người đi chợ hoặc là người tham gia các cuộc đấu tranh, đồng thời vừa là cán bộ tuyên truyền cổ động cho đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng.

 Thông qua tuyên truyền, Đảng đã từng bước nâng cao vai trò lãnh đạo của mình, tập trung được lực lượng quần chúng cách mạng, xây dựng khối liên minh công nông vững chắc và cổ vũ, khích lệ niềm tin, tinh thần đấu tranh của nhân dân, góp phần làm nên cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.