Huyện Cư M’gar: Đẩy mạnh cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả
Kết quả giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận một cửa UBND huyện Cư M'gar trong những năm gần đây luôn đạt tỷ lệ giải quyết trước hạn và đúng hạn. Qua đó cho thấy sự nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) của huyện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức và người dân trên đến thực hiện các TTHC.
Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông PHẠM TRUNG NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar liên quan đến công tác này.
* Xin ông cho biết kết quả nổi bật về CCHC, nhất là cải cách TTHC của huyện thời gian qua?
Xác định CCHC có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thời gian qua Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã quan tâm lãnh đạo, triển khai thực hiện chương trình CCHC một cách đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các ngành, lĩnh vực từ huyện đến cơ sở.
Theo đó, UBND huyện đã tập trung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC với điểm nhấn là hiện đại hóa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC huyện để tập trung các đầu mối giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Quyết định 1291/QĐ-TTg, ngày 7-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là đầu tư, nâng cấp máy móc, trang thiết bị, hệ thống mạng, hệ thống camera giám sát bảo đảm đáp ứng yêu cầu trong quản lý và thực hiện tiếp nhận, giải quyết các thủ tục trên Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến gắn với việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Đội ngũ công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và các xã, thị trấn được bổ sung, kiện toàn bảo đảm tiêu chuẩn nên việc cải cách TTHC của huyện ngày càng đi vào nền nếp, chuyên nghiệp.
* Hiện nay, việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Việc thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế là do cơ sơ vật chất chưa được trang bị đồng bộ, đầy đủ; không ít người dân còn giữ thói quen đến trực tiếp cơ quan chức năng để giải quyết TTHC, không đủ điều kiện, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin... đòi hỏi huyện cần phải có giải pháp cụ thể, đi sâu giải quyết hiệu quả từng vấn đề.
Để tăng tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 ngoài việc thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, huyện còn tập trung chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt việc nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, góp phần nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính.
Đồng thời chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký, nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện. Năm 2020 toàn huyện đã tiếp nhận và giải quyết 16.976/30.561 hồ sơ mức độ 3 (đạt tỷ lệ 55,5%) và 3.023/3.984 hồ sơ mức độ 4 (đạt tỷ lệ 75,8,6%).
* Để nâng cao hiệu quả ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện đã chỉ đạo cũng như có những giải pháp đột phá gì thưa ông?
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp và có những tình huống phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện, cũng như các xã, thị trấn.
Trước thực tế đó, UBND huyện đã chỉ đạo, tổ chức giải quyết kịp thời các TTHC cho người dân. Trong đó, đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ mức độ 3, mức độ 4 và duy trì giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh cá nhân và đăng ký giao dịch đảm bảo theo hướng dẫn của UBND tỉnh; chủ động liên hệ, trả kết quả cho người dân qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bên cạnh đó, UBND huyện còn tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải có giải pháp để nâng cao tỷ lệ hồ sơ mức độ 3, 4 theo từng năm, từng bước góp phần hình thành công dân số, doanh nghiệp số trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các giải pháp để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc