Định vị nhân lực, nhân tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tất cả các cấp. Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở mỗi cấp, theo sự phân cấp, phân công, là lực lượng nòng cốt trong việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chủ trương từ Trung ương đến địa phương.
Đánh giá đúng và trúng
Một trong những vấn đề mà Đại hội XIII của Đảng đặc biệt quan tâm đó là công tác cán bộ. Đây được xem là “nhiệm vụ then chốt của then chốt”.
Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thực hiện với quyết tâm chính trị cao, tập trung kiện toàn, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên được quan tâm hơn và có chuyển biến tích cực.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác cán bộ có nhiều đổi mới, được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ và đạt nhiều kết quả quan trọng; về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tiêu chuẩn chức danh và quy hoạch cán bộ được quan tâm, đầu tư tương xứng. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng và đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn.
Các đại biểu của tỉnh Đắk Lắk tham quan Triển lãm bộ tem chào mừng Đại hội tại Đại hội XIII của Đảng. |
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương đã tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị.
Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4, ở từng cấp, từng ngành đã từng bước đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi được một số biểu hiện tiêu cực, suy thoái trong Đảng; khắc phục được một số khuyết điểm trong công tác cán bộ, nhất là trong việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý đã ngày càng đi vào chiều sâu.
Các cấp ủy đảng cũng chú trọng làm tốt công tác cán bộ từ khâu nhận xét, đánh giá đến việc lựa chọn, tạo nguồn để đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt và bố trí sử dụng một cách hợp lý, tạo động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu.
Việc lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, có năng lực trong thực thi nhiệm vụ làm căn cứ xem xét quy hoạch cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng cán bộ ngày càng đi vào thực chất hơn.
Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Tại Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) : “Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện có thể; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ; cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển”.
Khâu đột phá chiến lược
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hiện thực hóa mục tiêu này, Nghị quyết Đại hội XIII cũng đã đề ra 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết nhấn mạnh: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên luôn được Đắk Lắk chú trọng quan tâm. |
Có thể khẳng định, thu hút, trọng dụng nhân tài là chủ trương xuyên suốt đã được Đảng, Nhà nước đặt ra và được Đại hội XIII đặc biệt quan tâm một cách toàn diện từ chủ trương đến giải pháp. Đây chính là cơ sở quan trọng nhằm tạo bước chuyển biến mới, thực chất để ngày càng nhiều nhân tài tham gia và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Để vẽ được “bản đồ” nhân lực, nhân tài sát đúng với những thay đổi, biến động thường xuyên về số lượng, chất lượng và về không gian lao động, có sự đóng góp đắc lực và lớn lao của ngành Tổ chức xây dựng Đảng. Trước những khó khăn, trở lực trong thực hiện “nhiệm vụ then chốt của then chốt” vẫn còn hiện hữu, đòi hỏi ngành Tổ chức xây dựng Đảng phát huy hơn nữa những phẩm chất trung thành, trung thực, gương mẫu, trong sáng, tinh thông, chuyên nghiệp, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực, là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy các cấp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu để tổ chức đảng các cấp, góp phần đưa đất nước, địa phương phát triển, xứng đáng hơn với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc