Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận về Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Hai, ngày 26-10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đã có 26 ý kiến phát biểu, 7 ý kiến tranh luận đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Các đại biểu đánh giá cao Bộ Công an (Cơ quan chủ trì soạn thảo) và Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Cơ quan chủ trì thẩm tra) trong việc chuẩn bị Tờ trình, hồ sơ dự án luật và Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét; đồng thời cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo luật.
Các vị ĐBQH tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Góp ý cho dự án luật, các đại biểu đề nghị cần rà soát, quy định kỹ về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của CSCĐ, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật với bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xác định rõ vị trí, chức năng của CSCĐ để có thể hiểu rõ điểm khác biệt của CSCĐ với các lực lượng khác của Công an nhân dân nói chung; cần quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các đơn vị CSCĐ để đảm bảo căn cứ xác định phạm vi, quy mô điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo triển khai CSCĐ phù hợp với quy mô, tính chất của vụ việc; cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ quy định về trang bị, phương tiện cho CSCĐ…
Trong phiên làm việc buổi chiều, đã có 26 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận của các vị ĐBQH đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân trao đổi với báo chí bên lề phiên họp. |
Các đại biểu đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhưng cần bổ sung chế tài liên quan đến việc chậm xử lý cấp bằng bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu; cần bổ sung chính sách đặc thù về quyền tác giả, góp phần tạo điều kiện phát triển hai lĩnh vực về công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa một cách dễ dàng, thuận lợi, có tính định hướng cao hơn; quy định về văn bằng bảo hộ còn chung chung, chưa thể hiện rõ thông tin về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp)… Các đại biểu cũng góp ý những nội dung liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ…
Ngày mai (27-10), buổi sáng Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh – Xã hội và Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc