Multimedia Đọc Báo in

Quốc hội thảo luận, góp ý đối với các báo cáo và 2 dự án luật

18:30, 21/10/2021

Ngày 21-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024.

Thảo luận tại tổ ở điểm cầu tỉnh Đắk Lắk, các ĐBQH đang công tác tại tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung đã được trình bày, đồng thời nhận định với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các đại biểu cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, giải pháp toàn diện, kịp thời, góp phần mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr đóng góp ý kiến đối với các báo cáo.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr đóng góp ý kiến đối với các báo cáo.

Thời gian tới, dự báo dịch COVID-19 có thể kéo dài và khó chấm dứt được hoàn toàn; triển vọng phục hồi kinh tế trong nước được dự báo tương đối tích cực, tuy nhiên vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, để thực hiện thắng lợi chiến lược phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế, cần chú trọng đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế, dự báo tình hình dịch bệnh, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước qua đó đề ra phương án, lộ trình phù hợp, khả thi để các địa phương thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công; tiếp tục đổi mới tư duy trong công tác phòng, chống dịch, đặt trọng tâm vào phòng chống dịch thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả, với chiến lược bao phủ vắc xin, thực hiện 5K và ứng dụng công nghệ thông tin…

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cần triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vắc xin phòng COVID-19 để tiêm phòng cho nhân dân; ưu tiên đảm bảo nguồn vắc xin cho đối tượng học sinh, trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch cần thống nhất từ Trung ương đến địa phương, để người dân tự ý thức được phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, việc mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế cũng cần thực hiện một cách khoa học, tính toán kỹ lưỡng nhằm vừa đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, vừa tránh tình trạng dư thừa, lãng phí; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến tại tổ.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến tại tổ.

Trong phiên làm việc buổi chiều dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các ĐBQH đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận, góp ý tại tổ về 2 dự án luật, gồm: Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo đó, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 31 điều. Nội dung cơ bản của dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014); bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm chính sách đã được thông qua, như: bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước; Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…

Lực lượng Cảnh sát cơ động biểu diễn võ thuật tại Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND lần thứ 5 năm 2019 - khu vực phía Nam. (Ảnh minh họa)
Lực lượng Cảnh sát cơ động biểu diễn võ thuật tại Hội thi điều lệnh, bắn súng, võ thuật CAND lần thứ 5 năm 2019 - khu vực phía Nam. (Ảnh minh họa)

Ngày mai (22-10), buổi sáng Quốc hội sẽ nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về: Tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; Việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.