Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Nỗ lực cải cách thủ tục hành chính ở cơ sở

06:45, 11/11/2021

Những năm qua, các cấp chính quyền huyện Krông Pắc đã thực hiện nhiều giải pháp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ hành chính công.

Liên thông iGate: Cán bộ xã là cầu nối

Ea Yiêng là xã vùng 3 của huyện, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những mục tiêu trọng tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã quan tâm cải tạo phòng làm việc, đầu tư trang thiết bị cho bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã, bảo đảm cơ bản cho quy trình tiếp nhận và xử lý công việc. Chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa vì vậy không ngừng được nâng lên, các thủ tục đều được giải quyết đúng và trước hạn, hầu hết giải quyết trong ngày.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa xã Ea Yiêng.

Ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng cho biết, 90% dân số của xã là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Xê Đăng, trình độ chưa cao nên việc tiếp cận các TTHC còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, do đặc thù của dân tộc Xê Đăng là không có họ, nhiều trường hợp bị viết sai tên trên các giấy tờ nên lượng hồ sơ cần xác minh, kiểm tra nhiều và khá phức tạp. Chính vì vậy, để thực hiện hiệu quả công tác CCHC ở địa phương, đội ngũ cán bộ xã là cầu nối, nhiệt tình hướng dẫn, tận tình hỗ trợ để người dân thực hiện đúng, đủ và bảo đảm quyền lợi khi thực hiện các TTHC tại địa phương. Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND xã đã tiếp nhận và giải quyết đúng hạn 11.505 hồ sơ (761 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 và 642 hồ sơ dịch vụ công mức độ 4), 100% hồ sơ được cập nhật lên phần mềm điện tử một cửa liên thông iGate.

 

"Huyện sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực để công tác cải cách hành chính ở cơ sở ngày càng được nâng cao chất lượng và hiệu quả phục vụ nhân dân".

 
 Phó Chủ tịch UBND    huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh

Chị Xí (thôn 4, xã Ea Yiêng) chia sẻ, bản thân là người dân tộc thiểu số, lại không am hiểu nhiều về các thủ tục nên mỗi khi cần làm giấy tờ thường rất lo lắng. Nhờ sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của cán bộ xã mà chị có thể dễ dàng hoàn thành các thủ tục cần thiết; phần nào không hiểu rõ, chị nhờ các cán bộ tại đây hỗ trợ. Thời gian giải quyết cũng rất nhanh chóng, không để người dân chờ đợi lâu.

Sự hài lòng của nhân dân là thước đo công vụ

Xã Hòa An là một trong những địa phương đã được đầu tư cơ sở vật chất cho Bộ phận một cửa và một cửa liên thông khá đồng bộ và khang trang. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hành chính tại đơn vị được nâng cao và đi vào nền nếp, cán bộ, công chức đều sử dụng hộp thư điện tử công vụ, các văn bản của UBND xã được sử dụng chữ ký số hoặc sao lưu, cập nhật lên các hệ thống phần mềm quản lý và điều hành văn bản (iDesk). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận một cửa được chuẩn hóa về trình độ, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả thực hiện CCHC.

Chị Hà Thị Luận, công chức phụ trách Tư pháp - Hộ tịch xã Hòa An hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo chị Hà Thị Luận, công chức phụ trách lĩnh vực tư pháp, hộ tịch xã Hòa An, công việc tại Bộ phận một cửa hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với người dân, là "bộ mặt" của cơ quan hành chính nên mỗi cán bộ, công chức tại đây luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tận tình hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết hồ sơ nhanh nhất có thể để người dân không phải chờ đợi lâu.

Ông Huỳnh Khương, người cao tuổi tại thôn Tân Tiến 2, xã Hòa An khi đi làm giấy xác nhận hôn nhân cho con gái để làm thủ tục kết hôn với người Việt ở nước ngoài đã rất cảm kích khi được cán bộ xã giải thích cặn kẽ các thủ tục, tra cứu giúp các nội dung bằng tiếng Anh và những phần ông không nhìn thấy rõ do mắt kém.

Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, công tác CCHC tại địa phương luôn đặt mục tiêu là lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo công vụ. Trong thời gian tới, Bộ phận một cửa của địa phương sẽ tiếp tục hướng dẫn, khuyến khích người dân nộp hồ sơ thông qua các dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi của người dân, giảm tiếp xúc trực tiếp và góp phần hiện đại hóa thủ tục hành chính.

Lê Hương - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.