Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát

06:07, 24/01/2022

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng đã được Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định, Điều lệ Đảng với tinh thần quyết liệt “không dừng, không nghỉ”, “không chùng xuống” và đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí LÊ VĂN NGHĨA, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy về vấn đề này.

 

* Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2021 của UBKT Tỉnh ủy?

- Năm 2021, UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra và tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 1 tổ chức đảng và 1 đảng viên, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2020; tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức đảng, tăng 300% và 24 đảng viên, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước; giải quyết tố cáo đối với 3 tổ chức đảng, tăng 300% và 18 lượt đảng viên, tăng 500% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, UBKT Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra tài chính đảng đối với 3 tổ chức đảng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2020; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 6 tổ chức đảng, tăng 50%; thi hành kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng, tăng 100% và 21 đảng viên, tăng 425% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, trong năm 2021, UBKT Tỉnh ủy đã theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo 321 liên quan đến một số công trình, dự án trọng điểm cần tập trung chỉ đạo trong giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng kế hoạch nắm tình hình việc triển khai, thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đối với một số công trình, dự án trọng điểm cấp bách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phân công cán bộ theo dõi, nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực nhằm thực hiện việc giám sát thường xuyên đối với các tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm từ khi còn mới manh nha và xử lý nghiêm minh, kịp thời để răn đe, giáo dục.

* Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được triển khai như thế nào trong hoạt động của UBKT các cấp, thưa đồng chí?

- UBKT các cấp đã triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng; chủ động, tích cực tham mưu, xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tập trung kiểm tra, giám sát nhiều nội dung liên quan đến công tác cán bộ; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể: đã chủ động lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; đẩy mạnh khâu phát hiện sai phạm, thông qua hoạt động giám sát, phản ánh của báo chí và tố giác của nhân dân. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm đã kịp thời kiểm tra, giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định và kịp thời công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Lê Văn Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thường kỳ lần thứ 17.

* Theo đồng chí, để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác kiểm tra, giám sát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Kiểm tra Đảng trong thời gian tới là gì?

Trong thời gian tới, ngành Kiểm tra Đảng của tỉnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBKT các cấp. Đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, bảo đảm chủ động, kịp thời, đúng theo Điều lệ Đảng và các quy định có liên quan.

Bên cạnh đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp giữa UBKT các cấp với các cơ quan, đơn vị theo quy chế phối hợp; đẩy mạnh việc phát hiện sai phạm, thông qua hoạt động giám sát và các kênh thông tin khác, kết hợp rà soát kết luận thanh tra, kiểm toán trên địa bàn; chú trọng kiểm tra, giám sát các địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, tiêu cực, khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng kiểm tra, làm rõ với tinh thần quyết liệt, triệt để, giải quyết kịp thời, dứt điểm, thực hiện nghiêm chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Việc kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên là những quyết định rất khó khăn, trăn trở; trách nhiệm của mỗi quyết định kỷ luật rất quan trọng, vì vậy, khi thi hành kỷ luật cần phải căn cứ vào nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó; đồng thời, phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, có lý, có tình, là quyết định của lẽ phải, của trách nhiệm và tình đồng chí, của “công lý” trong Đảng.

Cần đặc biệt quan tâm kiện toàn bộ máy UBKT các cấp, tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra trung thực, thẳng thắn, công tâm, khách quan, cán bộ làm công tác kiểm tra có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, có dũng khí đấu tranh với mọi hành vi vi phạm… 

* Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Chuyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.