Kỷ niệm 46 năm Ngày thành lập Báo Đắk Lắk (15/1/1976-15/1/2022):
Trên hành trình với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong dòng chảy của lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo Đảng địa phương giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân.
Là cơ quan báo chí của địa phương ở khu vực Tây Nguyên – địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong suốt 46 năm, Báo Đắk Lắk luôn không ngừng đổi mới và phát triển, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà. Các thế hệ làm Báo Đắk Lắk đã dấn thân, luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm với nghề nghiệp, phản ánh sinh động, chân thực, toàn diện mọi mặt đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trao giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Đắk Lắk lần thứ III năm 2021. Ảnh: Thế Hùng |
Với việc chú trọng thông tin về các nghị quyết, chương trình của Đảng, Nhà nước trong cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, những bài viết trên Báo Đắk Lắk luôn mang hơi thở cuộc sống của buôn làng hòa trong nhịp sống toàn dân tộc trong công cuộc đổi mới của đất nước. Qua đó, đã góp phần thể hiện sự nhất quán trong nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc trong công tác lãnh đạo của Đảng về thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo. Đồng thời củng cố thêm niềm tin của các cộng đồng các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương; đập tan các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và phản động quốc tế trong các hoạt động diễn biến hòa bình, bạo loạn, ly khai, lật đổ.
Sau hai cuộc gây rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch vào năm 2001 và 2004 ở khu vực Tây Nguyên, báo chí trong khu vực nói chung và Báo Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều đổi mới trong hoạt động tuyên truyền. Lực lượng phóng viên đã bám sát lĩnh vực, địa bàn theo dõi, tập trung công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, không chỉ trên lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội mà còn ở công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác phát triển đảng, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng.
Các phóng viên, nhà báo không ngại khó khăn, gian khổ, xông xáo để đưa tới bạn đọc những thông tin kịp thời, chính xác. |
Không chỉ trở thành “nhịp cầu” trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, hòa mình trong thực tiễn cuộc sống, sâu sát với cơ sở để có những bài viết hay, phóng sự hấp dẫn phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống, lan tỏa những mô hình tốt, sáng tạo, gương điển hình trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, từng bước khắc phục tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước; cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh.
Có thể khẳng định, trong suốt tiến trình lãnh đạo đất nước, Đảng đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, quyết sách và giành được những thành tựu quan trọng trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, chống quan điểm sai trái của các thế lực thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, chế độ, Nhà nước và thành tựu của công cuộc đổi mới.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa
|
Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí trong tình hình mới là: “Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Bối cảnh hội nhập quốc tế, sự phát triển của khoa học - công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội để báo chí cả nước nói chung và hệ thống báo Đảng địa phương nói riêng không ngừng đổi mới, sáng tạo, không ngừng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Bám sát định hướng tuyên truyền, dòng thông tin chủ đạo trên Báo Đắk Lắk là phản ánh cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội, tạo sức lan tỏa, định hướng dư luận xã hội, động viên, cổ vũ nhân dân. Và như khẳng định của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị Báo chí toàn quốc được tổ chức vào tháng 12/2021 vừa qua: Báo chí phải góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, củng cố mối quan hệ bền chặt, máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc