Chuyện về người lính dân tộc Chăm Phi Năng Lựa
Năm 1959 khi mới tròn 15 tuổi, ông Phi Năng Lựa (tên thường gọi Lê Văn Lựa, dân tộc Chăm), nhập ngũ vào đơn vị K148, là bộ đội chủ lực thuộc Liên khu 5; từ ngày vào quân đội cho đến khi nghỉ hưu, ông đã có mặt trên nhiều chiến trường ở Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai...
Năm 1961, ông Phi Năng Lựa cùng 200 đồng chí khác được Quân khu 5 điều động về Tỉnh đội Đắk Lắk, hoạt động tại địa bàn H9 (Krông Bông). Năm 1964, ông được điều động về đơn vị Trinh sát thuộc E250 (Quân khu 5). Là lính trinh sát nên ông cùng đồng đội thường xuyên đi ở phía trước, khi nắm chắc tình hình địch sẽ báo cho cấp trên tổ chức đánh địch. Ông đã trực tiếp tham gia 8 trận đánh lớn, trong đó có 2 trận đánh với quân viễn chinh Đại Hàn, 1 trận đánh vào đơn vị biệt kích Mỹ, còn lại là đánh phá ấp chiến lược giải phóng Quảng Cư, Phước Trạch, Vụ Bổn, Khuê Ngọc Điền… Với những chiến công đã lập, tháng 2/1962 ông Phi Năng Lựa vinh dự được kết nạp vào Đảng. Năm 1970, ông là một trong 48 chiến sĩ giải phóng quân người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc được cử ra miền Bắc tham quan và học tập.
Năm 1972, ông Lựa vào Nam tiếp tục tham gia chiến đấu ở Gia Lai. Giai đoạn này, một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên là trận đánh với Lữ đoàn 2 Thiết giáp của Mỹ - ngụy tại Biển Hồ. Sau 7 ngày giao tranh ác liệt, lực lượng của địch phải tháo chạy về đèo An Khê để xuống Bình Định. Sau trận đánh đó, ông được phong hàm Thiếu úy và được cấp trên điều động về Tỉnh đội Đắk Lắk với chức vụ Trưởng Ban Tổng động viên.
Ông Phi Năng Lựa. |
Cuối năm 1974, do yêu cầu của chiến trường, ông được biên chế về Đoàn 773 thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng chính quyền vùng giải phóng kể cả tiếp quản và tổ chức sản xuất đảm bảo hậu cần tại chỗ, để lực lượng quân đội ở tuyến trước tiếp tục đánh địch mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn Tây Nguyên. Trong chiến dịch Xuân 1975, đơn vị ông đã tham gia tiếp quản sân bay Hòa Bình (Buôn Ma thuột).
Sau ngày thống nhất đất nước, ông Phi Năng Lựa tiếp tục tham gia vào trận chiến đấu mới đấu tranh với lực lượng phản động FULRO chống phá cách mạng. Tháng 3/1978, sau khi bị truy quét, bọn tàn quân FULRO trốn chạy ẩn nấp ở vùng biên giới Campuchia), đơn vị ông đã vượt sông Sêrêpốk trinh sát địa bàn và báo cáo về cấp trên tổ chức lực lượng bao vây đánh địch. Nhờ chủ động và kịp thời nên trận đánh đó số địch bị thương vong và bị bắt gần 200 tên...
Tháng 9/1981, sau khi chia tách huyện Krông Pắc thành lập huyện Krông Bông, ông Phi Năng Lựa được phân công giữ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng cơ quan Quân sự huyện Krông Bông cho đến ngày nghỉ hưu.
Năm 1985, trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn chồng chất, người lính cụ Hồ Phi Năng Lựa lại bước vào trận chiến với đói nghèo. Hằng ngày ông có mặt trên các cánh đồng và tích cực phát triển chăn nuôi, có những thời điểm trong chuồng bò của gia đình ông lên đến 11 con bò. Nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông ổn định, xây dựng được nhà cửa khang trang, giúp các con tạo dựng cơ nghiệp. Ở thôn xóm, gia đình ông luôn là điển hình gương mẫu, đi đầu, nghiêm túc trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các phong trào thi đua ở địa phương.
Ông Phi Năng Lựa đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều huân huy chương các loại, được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc