Multimedia Đọc Báo in

Hào khí Nơ Trang Lơng

16:10, 24/05/2022

Tuy Đức (Đắk Nông), vùng đất nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, nhuốm màu sương khói như chính huyền thoại về người anh hùng M’nông đã thắp lên ngọn lửa hào khí trên cao nguyên này.

Khi biết đoàn làm phim chúng tôi tìm về những di tích gắn bó với người anh hùng Nơ Trang Lơng mà họ rất tôn kính, đồng bào M’nông không ngần ngại bày tỏ sự thân thiện và sẵn sàng chỉ dẫn chúng tôi.

Người M’nông cư ngụ lâu đời trên vùng đất phía nam cao nguyên ngày nay. Họ chia thành các bon tương đương với đơn vị làng, sống trong những khu rừng hỗn giao với đồng cỏ. Người Pháp gọi vùng đất này là cao nguyên M’nông, còn người M’nông thì gọi là Yok Laych nghĩa là cao nguyên Đồng cỏ.

Những người đầu tiên chúng tôi gặp là anh em nhà Điểu Gay. Bon của già Điểu Gay nằm gần ngọn đồi ngày xưa Pháp từng xây dựng một đồn lớn có tên là BuMêRa. Lúc còn nhỏ, già Điểu Gay đã từng chứng kiến việc xây dựng đồn và vẫn còn nhớ khá rõ những cuộc hành quân, đàn áp dã man của thực dân Pháp thời kỳ đó. Với dã tâm khai thác tài nguyên, khoáng sản trên cao nguyên này, từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Pháp cho xây dựng hàng loạt các đồn bốt, tổ chức nhiều cuộc hành quân và dùng vũ lực quân sự hòng khuất phục sự chống đối của đồng bào M’nông. Cũng như nhiều đồn bốt khác ở Bu Siết, Buôn Bu No, Bu Bông, đồn BuMêRa được Pháp xây dựng nhằm kiểm soát các bon làng và thực hiện kế hoạch bình định cao nguyên M’nông.

Tượng đài Nơ Trang Lơng ở TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Rừng già và cỏ dại đã che lấp những dấu tích xưa nhưng Điểu Gay vẫn còn nhớ rõ từng lớp hàng rào kẽm gai, các hào sâu bao quanh đồn nhằm ngăn chặn sự tấn công từ bên ngoài. Vậy mà, tất cả nỗ lực của thực dân Pháp đã không thể ngăn chặn nổi phong trào đấu tranh của đồng bào M’nông trên cao nguyên này. Câu chuyện bắt đầu vào năm 1909, tại khu rừng già Bu Siết thuộc thượng nguồn suối Buk So, Nơ Trang Lơng tập hợp các thủ lĩnh ở nhiều vùng miền và tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng với thực dân Pháp. Buổi đầu khởi nghĩa chỉ có vài trăm người tham gia, vũ khí hết sức thô sơ nhưng càng về sau, cuộc khởi nghĩa càng lan rộng, có lúc lên đến vài nghìn người. Nơ Trang Lơng được bầu chọn là vị thủ lĩnh tối cao, quyền uy và sức mạnh nhất. Bên cạnh ông còn có nhiều thủ lĩnh khác với vai trò phó tướng, dũng cảm và mưu trí. Nổi bật trong số đó là Rơ Ong Leng - người đóng vai trò quan trọng trong trận “Kết minh giả” tiêu diệt toán binh lính dưới quyền chỉ huy của Hăng-ri Mét, đồn trưởng đồn BuMêRa.

Theo một kế hoạch được vạch sẵn, năm 1914 Rơ Ong Leng đã băng bộ đường rừng và có cuộc tiếp xúc với Hăng-ri Mét. Ông đưa ra đề nghị cùng Mét tổ chức buổi lễ kết minh nhằm chống lại phong trào đấu tranh của Nơ Trang Lơng. Mét đồng ý và tất cả xảy ra đúng như ý đồ của Nơ Trang Lơng, biến buổi lễ kết minh thành trận chiến mà thắng lợi vang dội thuộc về Nơ Trang Lơng. Tiếp sau, những chiến công nối tiếp đã đưa tên tuổi Nơ Trang Lơng đến nhiều vùng miền khác, khiến ông trở thành vị thủ lĩnh không chỉ của người M’nông mà cả Tây Nguyên.

Trong suốt hành trình, chúng tôi đã gặp nhiều người, mỗi người đều có những câu chuyện riêng về Nơ Trang Lơng, có cả những câu chuyện mang màu sắc thần bí. Ví như Nơ Trang Lơng bách chiến bách thắng bởi ông luôn mang trong mình viên ngọc khiến đạn bắn không thủng. Với nhiều người như già Rơ Ong Siêm, cháu của Rơ Ong Leng thì câu chuyện lập mưu giết Hăng-ri Mét luôn nằm lòng trong trí nhớ.

Cao nguyên M'nông.

Tiếc thời gian đã làm mất mát nhiều dấu tích liên quan đến phong trào đấu tranh của Nơ Trang Lơng, một phong trào kéo dài hơn một phần tư thế kỷ, bắt đầu từ năm 1909 cho đến khi khi Nơ Trang Lơng bị giặc bắn trọng thương và hy sinh vào năm 1935.  Dấu tích cũ nhất còn sót lại trên vùng đất này là tấm bia do thực dân Pháp dựng nên để tưởng niệm Hăng-ri Mét - người bị nghĩa quân Nơ Trang Lơng giết chết. Không chỉ có Hăng-ri Mét, trong suốt hơn một phần tư thế kỷ chiến đấu bảo vệ quê hương, Nơ Trang Lơng cùng nghĩa quân đã tiêu diệt hàng trăm binh lính Pháp, tịch thu và phá hủy hàng nghìn súng ống khiến chính quyền thực dân Pháp thừa nhận đã làm “uy tín nước Pháp bị tổn hại nặng nề”. 

Với nhiều người, cao nguyên M’nông được xem là miền đất xa xôi thì huyện Tuy Đức, quê hương của người anh hùng Nơ Trang Lơng là nơi hoang sơ, cách trở nhất. Trước và cả sau khi tỉnh Đắk Nông thành lập,

(Xem tiếp trang 25)

nơi đây vẫn thuộc địa giới hành chính của huyện Đắk Rlấp, mãi đến năm 2006, Tuy Đức mới chính thức trở thành huyện mới. Đất rộng, người thưa, lại nằm kề biên giới nước bạn Campuchia nhưng Tuy Đức đã nhanh chóng phát triển, trở thành một trong những vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Đắk Nông với hương hiệu Khoai lang Nhật Bản nổi tiếng trên toàn quốc.

Dọc theo vùng biên giới giữa nước ta và nước bạn Campuchia, chúng tôi đi qua những con đường mới mở còn tươi nguyên màu đất ba zan. Chúng tôi không khỏi liên tưởng rằng trên những con đường này xưa kia, Anh hùng Nơ Trang Lơng đã cùng nghĩa quân làm nên những chiến công thần kỳ. Và hôm nay, những chủ nhân mới của vùng đất đang viết tiếp câu chuyện về sự khai mở những tiềm năng. Nghĩa là, một cách âm thầm nhưng mãnh liệt, hào khí từ cuộc khởi nghĩa Nơ Trang Lơng vẫn được lưu truyền bền bỉ.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.