Hội nghị trực tuyến góp ý dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị
Chiều 19/5, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm góp ý vào dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và dự thảo Quy định sửa đổi, bổ sung phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy; cùng đại diện Ban Tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc.
Theo dự thảo báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy định 105 thì qua gần 5 năm thực hiện, Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định và điều động, luân chuyển, biệt phái đối với 146.772 lượt cán bộ. Cụ thể: Đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định và điều động, luân chuyển, biệt phái đối với 5.888 lượt cán bộ (10 lượt trưởng ban đảng, 51 lượt bộ trưởng, 67 lượt phó trưởng ban đảng, 137 lượt thứ trưởng, 36 lượt trợ lý các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; 9 lượt đại sứ Việt Nam tại nước ngoài; 76 lượt cán bộ trong quân đội và phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với 449 lượt sỹ quan quân đội và công an; 19 lượt chủ tịch hội, liên hiệp hội, 31 phó chủ tịch hội, liên hiệp hội và các chức danh tương đương; 111 lượt bí thư, 213 lượt phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; 347 lượt bí thư, phó bí thư, ủy viên ban cán sự đảng, đảng đoàn ở Trung ương và 4.332 lượt cán bộ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương). Đối với cán bộ thuộc diện các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đã thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử và điều động, luân chuyển, biệt phái đối với 174.513 lượt cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Sau gần 5 năm thực hiện, các cấp ủy, tổ chức đảng đều đánh giá những nội dung của Quy định 105 của Bộ Chính trị về cơ bản còn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, quy định về phân cấp quản lý cán bộ và việc tổ chức thực hiện còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, bất cập như: chưa có quy định về chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; một số chức danh cán bộ đã thay đổi hoặc phát sinh mới nhưng chưa được cập nhật, bổ sung; một số cơ quan, đơn vị ngành dọc và đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương ban hành văn bản quy định chưa phù hợp đối với một số chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của cấp ủy địa phương theo quy định của Bộ chính trị…
Bên cạnh đó, quy định về bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chưa xác định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị còn chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thành các quy định của cấp mình; một số cán bộ được bổ nhiệm còn thiếu kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và chưa có nhiều kinh nghiệm; việc đánh giá, nhận xét trong bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định và điều động, biệt phái còn hạn chế, một số trường hợp chưa phản ánh chính xác về năng lực, phẩm chất và uy tín cán bộ; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương có lúc còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao…
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào một số nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định 105 của Bộ Chính trị. Theo đó, dự thảo Quy định về quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử gồm có 6 chương, 34 điều, 3 phụ lục, quy định mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý cán bộ, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm lại, tái cử, chỉ định và điều động, biệt phái cán bộ. Quy định này áp dụng đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến để Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Bộ Chính trị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo quy định, như: về bố cục của dự thảo quy định, bố cục lại kết cấu một số nội dung để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, nhất quán với các quy định hiện hành khác; bổ sung một điều mới quy định về mục đích, yêu cầu trong quản lý cán bộ và bổ nhiệm giới thiệu cán bộ ứng cử; về tiêu chuẩn, điều kiện; về thủ tục, quy trình nhân sự; về phân cấp quản lý cán bộ…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị; đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, lãnh đạo các địa phương vào dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 105 và dự thảo Quy định sửa đổi, bổ sung phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Đồng chí Trương Thị Mai cũng phân tích chi tiết một số nội dung về phân cấp cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cần sửa đổi, bổ sung sau 5 năm triển khai thực hiện. Đối với các ý kiến đề xuất, kiến nghị của đại biểu, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp để hoàn thiện dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị xem xét trong thời gian tới.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc