Multimedia Đọc Báo in

Phát triển vùng Tây Nguyên xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc

15:00, 01/07/2022

Sáng 1/7, tại TP. Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (Nghị quyết số 10) ngày 18/01/2002 và Kết luận số 12-KL/TW (Kết luận số 12) ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Tây Nguyên.

Dự và đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; thành viên Ban Chỉ đạo tổng kết, thành viên Tổ biên tập; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên; cùng các các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học…

Các đại biểu dự Hội nghị.
Các đại biểu dự Hội nghị.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10 và 10 năm thực hiện Kết luận số 12, các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cơ bản được hoàn thành, qua đó đã khẳng định Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị đã thực sự đi vào cuộc sống. Kinh tế vùng Tây Nguyên đã đạt được kết quả khá toàn diện, quy mô kinh tế được mở rộng; chuyển dịch cơ cấu đúng định hướng, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; các ngành dịch vụ du lịch có bước phát triển khá. Vùng Tây Nguyên dần trở thành vùng du lịch sinh thái – văn hóa có sức hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng lên. Mạng lưới y tế dự phòng các tỉnh Tây Nguyên đã được củng cố. Đời sống văn hóa của nhân dân Tây Nguyên ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều di tích văn hóa lịch sử được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thảo luận tại Hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thảo luận về hạ tầng giao thông các tỉnh Tây Nguyên tại hội nghị.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được chú trọng. Công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước được chú trọng. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện căn bản đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước được thực hiện hiệu quả, qua đó khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo, xây dựng thôn, buôn; đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực, chuyển dần từ thụ động sang chủ động, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. QP-AN được giữ vững, công tác xây dựng Đảng được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên được nâng lên…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu thảo luận.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình phát triển vùng Tây Nguyên thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế, như: phát triển kinh tế vùng chưa bền vững, tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2010 - 2020, quy mô GRDP của vùng còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng thấp; phát triển văn hóa – xã hội còn nhiều bất cập, nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nhiều thách thức, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; lĩnh vực giáo dục - đào tạo chuyển biến còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực và các chỉ số sức khỏe cơ bản của người dân vùng Tây Nguyên thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn còn cao so với bình quân cả nước, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số…

Tại hội nghị, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã thảo luận và đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm bảo đảm an ninh chính trị, an ninh dân tộc, tôn giáo, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045…; giải pháp phát triển công nghiệp và thương mại vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển nông sản chủ lực, đặc thù vùng Tây Nguyên; phát triển hệ thống giao thông, vận tải vùng Tây Nguyên…

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung phát biểu tham luận tại hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình với những đánh giá, nhận định tâm huyết, trách nhiệm, khoa học và giàu tính thực tiễn của các đại biểu về tình hình phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; ghi nhận những đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Tây Nguyên là địa bàn chiến lược; phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, bạn bè quốc tế, trong đó phải chú trọng phát huy tinh thần tự lực, tự cường và đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn”.

Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại; quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng KT-XH. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt thấp, xếp thứ 5/6 vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào – Campuchia và ASEAN…

Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, đảm bảo QP-AN, xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử. Đồng thời, phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển KT-XH tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 10 và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị; đề xuất ban hành nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.