Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW:

Cần tạo sự đột phá trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên

08:25, 16/08/2022

Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới. “Kim chỉ nam” đã rõ ràng, đầy đủ nhưng để tạo chuyển biến mạnh mẽ, vấn đề cốt lõi vẫn là việc triển khai thực hiện cần tạo sự đột phá, nhất là trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên.

Vẫn còn nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên được Đảng xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.

Cấp ủy chi bộ, ban tự quản, đoàn thể buôn Ju (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra, giám sát thi công đường giao thông trên địa bàn buôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức Trung ương, chất lượng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất sức chiến đấu, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Một số bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, chưa gương mẫu, sống thực dụng, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Công tác đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên còn biểu hiện nể nang, hình thức, nặng về thành tích...

 

“Nghị quyết số 21 rất quan trọng, hệ trọng, bởi xét ra cuối cùng mọi chuyện cũng liên quan tới tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Do đó, cần sự thẳng thắn mang tính đột phá một số khâu trong công tác xây dựng tổ chức đảng, đảng viên, nhất là việc giữ vững lời thề đảng viên, nhận thức tư tưởng chính trị, bản lĩnh chính trị, mục tiêu lý tưởng".

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật, tăng 144 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 – 2015. Số lượng tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật có xu hướng tăng qua từng năm, trung bình mỗi năm tăng 15%. Riêng năm 2021, đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng. Cũng trong nhiệm kỳ XII, tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 93.207 đảng viên (tăng 36.635 người so với nhiệm kỳ Đại hội XI), trong đó có 7.847 đảng viên bị khai trừ khỏi Đảng (chiếm 8,4%). Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có nhiều cán bộ, đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Đảng mong muốn một người bước chân vào, đi với Đảng suốt đời, một người được đề bạt làm cán bộ phải tiếp tục phát triển, không giữa chừng gãy cánh được. Nhưng rất tiếc có một bộ phận giữa đường gãy cánh, gãy cánh nặng chứ không phải nhẹ. Đó là điều rất buồn”.

Đánh giá, xếp loại cần thẳng thắn, thực chất

Thực hiện mục tiêu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Nghị quyết số 21/NQ-TW về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đáng chú ý là triển khai thực hiện hiệu quả mô hình chi bộ, đảng bộ cơ sở “bốn tốt”: hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt. Đồng thời, ban hành quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cơ sở đối với những nơi thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, nơi tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị.

Cấp ủy chi bộ, ban tự quản buôn H'Né (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) tuyên truyền cho người dân về chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Nghị quyết số 21 cũng nhấn mạnh tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia góp ý, giám sát hoạt động của chi bộ, cấp ủy, bí thư cấp ủy cơ sở và đảng viên; thường xuyên rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Khắc phục triệt để tình trạng nể nang, né tránh trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại đảng viên; tăng số lượng, nâng cao chất lượng phát triển đảng viên theo phương châm “Ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; kịp thời xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đồng thời, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, cán bộ, đảng viên.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.