Huyện Krông Năng: Xã Phú Lộc tiên phong chuyển đổi số
Là một trong hai địa phương cấp xã (cùng với xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được UBND tỉnh chọn triển khai thí điểm mô hình chuyển đối số, xã Phú Lộc (huyện Krông Năng) đang nỗ lực đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp (DN) với chính quyền qua các ứng dụng, dịch vụ tiện ích.
Để triển khai hiệu quả mô hình chuyển đổi số, xã thành lập ban chỉ đạo (BCĐ), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực; thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng tại 15 thôn, từ 5 - 10 thành viên/tổ, đa số là người trẻ tuổi, hiểu biết về công nghệ thông tin (CNTT), có tinh thần trách nhiệm cao. Cùng với đó, UBND xã phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn về CNTT cho thành viên BCĐ, cán bộ, công chức, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các hội nghị, trên hệ thống đài truyền thanh, pa nô, khẩu hiệu trên các trục đường, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook…
Thành viên Tổ công nghệ số hướng dẫn người dân xã Phú Lộc kê khai các thủ tục hành chính trực tuyến. |
Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), UBND xã bố trí nơi tiếp công dân khoa học, trang thiết bị phục vụ tra cứu TTHC đầy đủ. Đặc biệt, đã tiến hành cải tạo, nâng cấp toàn bộ mạng LAN nội bộ, bổ sung trang thiết bị cần thiết giúp hệ thống mạng bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định, an toàn.
Ông Huỳnh Văn Ánh (SN 1969, thôn Lộc Tân) cảm thấy rất thuận lợi vì mọi hồ sơ thủ tục xác nhận khai sinh cho cháu ngoại đều được kê khai trực tuyến ở nhà và chỉ đến UBND xã nhận khi có kết quả và được hướng dẫn thanh toán điện tử không dùng tiền mặt qua chuyển khoản hoặc quét mã QR. "Tôi thấy việc ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc rất hiệu quả, tiện ích. Tôi mong ngày càng có nhiều ứng dụng công nghệ số để thuận tiện và nhanh gọn hơn trong công việc”, ông Ánh vui mừng cho biết. Còn theo bà Bùi Thị Thúy (ở thôn Lộc Tài), trước đây người dân rất vất vả để tìm kiếm người thu mua nông sản nhưng từ khi ứng dụng công nghệ thông tin đã kết nối được với các sàn giao dịch thương mại điện tử, dễ dàng tìm đầu ra trên điện thoại thông minh.
Một trong những điểm nổi bật trong công tác giải quyết TTHC đó là từ tháng 7/2022 đến nay, UBND xã Phú Lộc đã triển khai thực hiện mô hình “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Sáu không hẹn”. “Không viết” là khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vào ngày thứ Ba hằng tuần sẽ được công chức hỗ trợ ghi thay các loại giấy tờ, hồ sơ, trừ một số TTHC đặc thù theo quy định pháp luật không được viết hộ. Còn “không hẹn” là khi tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC vào thứ Sáu hằng tuần (ngày làm việc cuối cùng của tuần), nếu đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định, công chức tiếp nhận xử lý hồ sơ, trình lãnh đạo ký và trả kết quả ngay trong ngày.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phú Lộc. |
Phú Lộc là xã đầu tiên của huyện Krông Năng thực hiện mô hình “Ngày thứ Ba không viết”, “Ngày thứ Sáu không hẹn”, qua đó mang lại hiệu quả cao trong giải quyết một số TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Từ hiệu quả đó, từ ngày 23/9/2022 UBND huyện Krông Năng sẽ triển khai mô hình tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện”. Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Mai Văn Thanh
|
Chị Nguyễn Thị Linh, công chức Văn phòng UBND xã phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cho hay: "Nếu như trước đây, các TTHC thường phải giải quyết trong thời gian 2 - 3 ngày thì hiện nay dù có bao nhiêu hồ sơ cũng giải quyết hết trong ngày. Công việc của đội ngũ cán bộ, công chức theo đó cũng áp lực hơn nhưng mọi người đều vui vì đã góp phần giúp người dân, DN giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại".
Xác định rõ "chuyển đổi số không phải là phong trào mà là xu hướng tất yếu của sự phát triển", do đó xã Phú Lộc đang tập trung xây dựng chính quyền số, sử dụng hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến, 100% TTHC cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống “một cửa điện tử”, 30% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý qua mạng; hướng dẫn DN và người dân tham gia giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến; hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức và người dân về kỹ năng sử dụng phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản; tăng cường hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng như phần mềm định danh điện tử VneID, ứng dụng Đắk Lắk trực tuyến.
Chủ tịch UBND xã Phú Lộc Mai Văn Thanh khẳng định, kết quả bước đầu đạt được từ mô hình chuyển đổi số ở địa phương rất khả quan, nhưng đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn và đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực ứng dụng CNTT nhất định. Trong khi đó, một số cán bộ, công chức xã chưa được đào tạo cơ bản về CNTT, cũng như chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT nên khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhận thức và thói quen của người dân về công tác chuyển đổi số cũng là một khó khăn trong triển khai thực hiện chương trình. Hiện tại, xã đã thành lập 15 tổ công nghệ số cộng đồng ở các thôn nhưng việc nắm bắt về CNTT của các thành viên còn yếu, một phần kinh phí hoạt động không có nên khó khăn trong công tác tuyên truyền và triển khai các nhiệm vụ thực hiện.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc