Multimedia Đọc Báo in

Hiệp định Paris – Dấu son chói lọi

11:50, 18/01/2023

Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt lớn to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Đây là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Để đi đến ký kết Hiệp định Paris, chúng ta đã trải qua 4 năm 9 tháng đàm phán (từ 13/5/1968 đến 27/1/1973), với tất cả 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam.

Hiệp định Paris bao gồm 9 chương, 23 điều, trong đó nêu lên một số vấn đề cơ bản như về quyền dân tộc cơ bản; vấn đề quân sự; vấn đề miền Nam Việt Nam; vấn đề thống nhất đất nước; quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; vấn đề thúc đẩy việc thi hành Hiệp định; vấn đề Lào và Campuchia…

Quang cảnh
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27/01/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp.

Hiệp định Paris đánh dấu thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, Hoa Kỳ phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quân đội Mỹ và các đồng minh của Mỹ phải rút khỏi Việt Nam, phải chấm dứt mọi hành động quân sự chống phá hai miền Nam - Bắc Việt Nam.

Việc ký kết Hiệp định Paris là kết quả sự kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với quân sự và đấu tranh ngoại giao; là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất, với ý chí “không có gì quý hơn độc lập tự do” của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngọn cờ chính nghĩa và sự đồng thuận trên dưới một lòng của toàn Đảng, toàn dân tạo nên sức mạnh chính trị vững chắc và kiên định. Những chiến thắng trên chiến trường thúc đẩy diễn tiến của cuộc đấu tranh ngoại giao như: cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 buộc đối phương phải đề nghị đàm phán, chiến dịch Xuân - Hè 1972 đưa cuộc đàm phán đi vào thực chất, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đi tới việc ký kết Hiệp định.

Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam. Bởi, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam diễn ra trong mối tương quan không cân sức với một đối thủ chẳng những có lực lượng quân sự hùng hậu, tiềm năng kinh tế vững mạnh, mà còn có tiếng nói trọng lượng trên trường quốc tế. Rút kinh nghiệm của Hội nghị Giơnevơ năm 1954, Việt Nam quyết giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tự quyết định từng bước đi trong cuộc đấu tranh ngoại giao với đối phương, không bị lệ thuộc vào bên này hoặc bên kia. Nhờ vậy, Hiệp định được ký kết theo đúng sự tính toán và lợi ích của bản thân Việt Nam mà không làm đổ vỡ quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, ngoại giao Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu cơ bản của đàm phán, tinh thần tự chủ, tự quyết định trong đường lối chung cũng như từng bước sách lược trong cuộc đấu tranh ngoại giao “vừa đánh, vừa đàm”, “vừa nhu, vừa cương”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “thêm bạn, bớt thù”…, dự báo thời cơ và nắm bắt đúng thời cơ đi đến thắng lợi quyết định. Nhờ vậy, trong suốt cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị cùng sự nhạy bén của các nhà ngoại giao Việt Nam đã vững vàng trước một đối thủ dày dạn trên trường quốc tế. Nhờ vậy, chúng ta đã đạt được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút” để tiến tới đánh đổ chế độ ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Việc ký kết Hiệp định Paris đánh dấu thành quả của đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước. Nhân dân thế giới hướng về tiếng nói chính nghĩa và kiên cường của Việt Nam, lên án hành động xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo nên một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, hoạt động sôi nổi trong suốt tiến trình Hội nghị Paris. Nhiều chính khách và học giả cùng nhân dân các nước, kể cả các nước đồng minh hoặc thân cận với Mỹ, đều lên tiếng phản đối chiến tranh của Mỹ, đòi lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhân dân Mỹ, khi hiểu rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do chính phủ họ tiến hành, đã triển khai mọi hình thức đấu tranh từ đường phố đến nghị trường đòi chính phủ phải kết thúc cuộc chiến tranh này.

Không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam, Hiệp định Paris còn mang tính quốc tế khi góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Lào và Campuchia. Hiệp định cũng góp phần mở ra một chương mới trong cục diện Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; xu thế hòa bình, trung lập phát triển mạnh trong khu vực, mở ra khả năng thiết lập một khu vực hoà bình, hữu nghị ổn định. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.

B
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu

Có thể khẳng định, Hiệp định Paris về Việt Nam mãi mãi là trang sử vàng chói lọi, thể hiện cao độ bản lĩnh, tinh thần, trí tuệ của con người và nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau những bài học vô giá. Đó là bài học về kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; bài học về vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; bài học về xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.

Bài học từ thắng lợi của Hiệp định Paris cho thấy, giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, Đảng ta chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, nhưng với tư tưởng chỉ đạo nhất quán là giữ vững nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với từng đối tượng mà Việt Nam có quan hệ. Xây dựng nền ngoại giao mang cốt cách cây tre Việt Nam “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, với đặc trưng nổi bật là kiên định trong mục tiêu, nhân văn trong cốt cách, rộng mở trong tinh thần và linh hoạt trong hành động, thấm đượm tinh thần, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

Vì lẽ đó, hiện nay, Đảng ta chủ trương hội nhập quốc tế trên tinh thần “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hiệp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Có thể khẳng định, lợi ích quốc gia - dân tộc đã, đang và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam, tiêu chí cao nhất trong triển khai hoạt động đối ngoại.

Cẩm Trang

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.