Thăm cánh đồng Mường Thanh và rừng Ông Giáp
Mới đây, chúng tôi đã có chuyến thăm Tây Bắc, đến những địa danh gắn liền với Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Đến cánh đồng Mường Thanh và rừng Ông Giáp, nơi gắn liền với trận chiến huyền thoại năm xưa, chúng tôi – những người con Tây Nguyên – cứ rưng rưng xúc động…
Từ cánh đồng Mường Thanh…
Cánh đồng Mường Thanh chỉ cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) 5 km về phía nam. Đi qua Quốc lộ 279 khoảng hơn 10 phút là đến vòng xoay đường Võ Nguyên Giáp, thẳng đường 7/5 là đến cánh đồng Mường Thanh.
Cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km rộng bao la bên cạnh dòng sông Nậm Rốm. Bà con nơi đây có câu nói: “Nhất Mường Thanh, nhì Mường Lò” để nói về sự rộng lớn của cánh đồng lúa đem lại nhiều loại gạo ngon nức tiếng Tây Bắc này. Vùng đất năm xưa diễn ra cuộc quyết chiến với thực dân Pháp của quân và dân ta nay đã thay da đổi thịt với những khu đô thị hiện đại và những hàng hoa ban nở trắng như trong cổ tích.
Cánh đồng Mường Thanh nhìn từ đồi A1. |
Di tích đồi A1 huyền thoại vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn. Còn đây hầm tướng Đờ Cát trú ẩn để chỉ huy chiến dịch với mục tiêu biến Điện Biên Phủ thành “cối xay thịt” Việt Minh. Đây là hố bộc phá khổng lồ mà bộ đội ta cho nổ tung ngọn đồi A1 khiến quân Pháp thất kinh hồn vía. Đây là nơi quân ta phất cờ chiến thắng, ngọn cờ của biết bao mất mát hy sinh và lòng kiêu hãnh dân tộc. Để lên được ngọn đồi cao ấy, du khách có thể đi bộ theo lối mòn, đi theo bậc cấp và cũng có thể đi ven chân đồi bằng xe máy, xe hơi đều được.
Có một điểm thú vị là khi đứng trên ngọn đồi huyền thoại, du khách dẫu không quen nhau nhưng bỗng chốc trở nên gần gũi. Họ cùng chụp ảnh cho nhau, cùng kể chuyện về chiến dịch năm xưa mà thế hệ hôm nay chỉ được học qua sách vở, phim ảnh, báo chí…
Hôm nay, đường vào Mường Thanh không còn nhiều dấu vết đạn bom bởi hoa đã nở trên hào giao thông, làm đẹp lòng du khách. Cách đó không xa, Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ thoảng tiếng chuông nhẹ nhàng. Nơi đây mộ các anh hùng liệt sĩ Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót nằm sát nhau, như là để kể câu chuyện về sự đoàn kết, anh dũng của bao người tham gia cuộc đấu tranh vệ quốc của dân tộc…
… đến rừng Ông Giáp
Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây theo phong cách nhà sàn của người Thái nằm sát bên bìa rừng nguyên sinh được gọi là rừng Ông Giáp tại xã Gia Phù, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Khu rừng là đại bản doanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ những ngày đầu kháng chiến.
Khu lán trại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Đường đến di tích lịch sử này là lối mòn xưa dài gần 3 km tính từ bìa rừng đã được đổ bê tông, uốn lượn luồn qua những gốc cây cổ thụ xanh mát. Du khách đi dọc theo con đường bộ đội mình đã hành quân, men theo con suối trong vắt róc rách chảy, qua cây cầu nho nhỏ…, bước qua những rễ cây cổ thụ trồi lên mặt đất, các chốt gác của bộ đội làm bằng tranh tre hiện ra thật nên thơ. Trong không gian yên tĩnh, mát lạnh của rừng nguyên sinh, khu lán trại của Đại tướng vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào. Từ lán trại nhìn ra, phía trước là ruộng lúa rẫy nương thật yên bình, phía sau là rừng nguyên sinh. Đường hầm trú ẩn của Đại tướng bắt đầu từ sau bàn làm việc chạy đến cuối phía bìa rừng bên kia… Đường hầm đề phòng khi bất trắc để thoát thân nhưng Đại tướng chưa một lần sử dụng.
Khu rừng như thì thầm kể lại câu chuyện xưa về những lần quân ta hành quân từ thị xã Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) lên Điện Biên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân đất Việt đã chọn rừng Bắn Nhọt theo tên gọi của bà con, làm nơi đóng quân. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đội quân của mình trở về xuôi, khu rừng được gọi là rừng Ông Giáp từ đó.
Thật thiếu sót nếu không nói về sự thân thiện mến khách của người dân nơi đây. Các cô gái Thái trong trang phục dân tộc thật đẹp, dịu dàng mời khách uống nước lá cây rừng, ăn sắn luộc và khoai lang nướng. Vào bản, bà con sẽ kể cho du khách nghe những câu chuyện từ rừng Ông Giáp...
Xuân Hòa
Ý kiến bạn đọc