Multimedia Đọc Báo in

Điều trị sớm “bệnh” sợ trách nhiệm, không dám làm

08:03, 04/05/2023

Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp chính quyền từ Trung ương đến cơ sở để bảo đảm thực hiện một nền hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, thực tế thời gian gần đây, ở một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Hậu quả làm quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.

Biểu hiện “bệnh”

Kết thúc quý I/2023, đầu tàu kinh tế của cả nước – TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,7%, xếp thứ 56/63 địa phương. Tổng sản phẩm trên địa bàn lần đầu tiên thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng chỉ đạt 4%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (2022) tụt 14 bậc xếp thứ 27/63. Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công PAPI (năm 2022) nằm ở mức trung bình thấp với hơn 41 điểm. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ đã có 604 văn bản trả lời; hầu hết các vấn đề đều thuộc thẩm quyền của thành phố. Theo vị tư lệnh ngành này, "đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau". 

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho rằng, nói tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là có thật, không những lo ngại mà còn có thể đánh giá sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức để xử lý các công việc chung, vấn đề này không chỉ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh mà ở nhiều địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương. Ảnh: VGP

Tại Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 (mở rộng) số 838-KL/TU ngày 18/4/2023 của Tỉnh ủy Đắk Lắk, Kết luận đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ công tác quý I/2023 trên địa bàn. Đó là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động còn nhiều. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Công tác xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất) còn chậm, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Tình trạng vi phạm lâm luật, phá rừng, tranh chấp, khiếu kiện đông người liên quan đến các công ty nông, lâm nghiệp tại một số huyện vẫn tiềm ẩn phức tạp. Việc triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát của một số cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp cơ sở còn chậm. Kết luận đã thẳng thắn nêu lên nguyên nhân của những tồn tại khuyết điểm trên, cụ thể: Công tác lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt, chưa coi trọng việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn chưa tốt; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ còn chưa được phát huy; một bộ phận cán bộ, công chức biểu hiện thận trọng thái quá, sợ sai, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.

Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, tăng cường trách nhiệm

Chủ trì phiên họp thứ tư, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ sáng 19/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo chấm dứt tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm của mình lên cấp trên và cơ quan khác".

Cũng trong ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan mình sang bộ, cơ quan khác; không giải quyết các công việc được xác định thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan khác; trả lại văn bản cho cơ quan, đơn vị, địa phương xin ý kiến nếu không đúng thẩm quyền hoặc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị xin ý kiến. Không lấy ý kiến phối hợp của cơ quan không liên quan hoặc không cần thiết, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý công việc. Bộ, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời đúng thời hạn, chính kiến rõ ràng; không trả lời chung chung, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh trách nhiệm.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm. Khẩn trương rà soát các nhiệm vụ, công việc của địa phương để kịp thời xem xét, quyết định theo thẩm quyền và trong thời hạn được pháp luật quy định, nhất là đối với những công việc đã để chậm trễ, kéo dài…

Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực. Biểu dương, khen thưởng kịp thời và thích đáng đối với các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và bộ, cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật để tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ cho các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức yên tâm thực hiện chức trách công vụ theo quy định; đồng thời cụ thể quy trình, cá thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ bảo đảm không để né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2023. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2023.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.