Chạy…
Theo định nghĩa của từ điển Tiếng Việt, chạy là từ chỉ sự vận động, di chuyển nhanh bằng những bước nhanh, mạnh và liên tiếp, thể hiện tính khẩn trương, liên tục (chạy một mạch về nhà, chạy vội ra chợ…); là nhanh chóng tránh trước đi điều gì không hay (chạy lụt, chạy mưa…); là sự thuận lợi, trôi chảy, không bị ngừng trệ (tháng này chạy việc hơn)…
Trong thể thao, chạy là một bộ môn giúp rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, khi không còn chỉ sự vận động vật lý thông thường thì “chạy” trở thành từ chỉ mối quan hệ mua – bán, trao đổi mang tính vụ lợi cá nhân. Đó là chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu... - một thực trạng tham nhũng được Đảng xác định là "ung nhọt", là "căn bệnh" trầm kha.
Chạy chức, chạy quyền không chỉ làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần; triệt tiêu ý chí phấn đấu của những cán bộ, đảng viên có trình độ năng lực... mà còn làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền và chế độ. Cho nên, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những mối nguy hại của tệ tham ô, quan liêu, lãng phí trong bộ máy nhà nước, Người gọi đó là “giặc nội xâm” và đã ban hành các sắc lệnh để xử lý, trừng trị nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII. Ảnh: TTXVN |
Để chữa “căn bệnh” tha hóa quyền lực, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cũng như “vá” lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác cán bộ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương, Đảng đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều quyết sách quyết liệt, đồng bộ. Đó là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ"; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị ngày 23/9/2019 “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về "Những điều đảng viên không được làm"… Trong đó, Quy định số 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị không những chỉ rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền mà còn quy định chi tiết, cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền cũng như các hình thức xử lý kèm theo. Đây cũng là một trong những quy định thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong việc kiểm soát quyền lực, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái với các quy định của Đảng, Nhà nước trong công tác cán bộ.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý đó là cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh. Đó là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Đó là kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức…
Sự kiên trì, kiên quyết của Đảng đã tạo bước chuyển biến tích cực, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tuy nhiên, để thực sự triệt tiêu được ham muốn chạy chức, chạy quyền thì giải pháp tiên quyết vẫn là tự thân mỗi cán bộ, đảng viên luôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tự trọng của bản thân.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc