Multimedia Đọc Báo in

Công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua!

08:42, 12/06/2023

Ngày 11/6/1948, nhân dịp Kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" - một lời kêu gọi có tính chất lịch sử mà cho đến ngày nay vẫn còn ý nghĩa hiện thực.

Với chủ trương lấy thi đua làm động lực để phát huy tinh thần yêu nước, biến lòng yêu nước thành sức mạnh vật chất và tinh thần trong lao động sản xuất, trong huấn luyện chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Người viết: "Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước và cho dân tộc".

Ảnh minh họa: Hữu Nguyên
Ảnh minh họa: Hữu Nguyên

Người cũng chỉ rõ, thi đua không phải là cái gì to tát, xa lạ mà là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hằng ngày: "Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". Người cho rằng: "Chiến sĩ thi đua là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần, kiệm, liêm, chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc".

Từ đó, phong trào thi đua yêu nước trở thành sức mạnh của hàng chục triệu người Việt Nam, góp phần quan trọng để dân tộc ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong phong trào thi đua yêu nước đã rèn luyện những người lao động từ người bình thường, công việc bình thường trở thành những người ưu tú.

Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất!”, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức, đoàn thể trong toàn tỉnh đã triển khai rộng khắp các phong trào thi đua do Trung ương, tỉnh phát động. Qua đó, các phong trào thi đua yêu nước đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, lao động, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân toàn tỉnh hưởng ứng tham gia tích cực. Thông qua các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của địa phương. Tùy theo điều kiện đặc thù của từng lĩnh vực, từng ngành, từng giai đoạn, hoạt động thi đua trong tỉnh đã mang nhiều tên gọi, với những nội dung thiết thực, phong phú, đa dạng.

Đặc biệt, với quan điểm “Thi đua là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hằng ngày”, hoạt động thi đua trên địa bàn tỉnh phần lớn cũng hướng đến việc giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra, gắn liền với thực hiện nhiệm vụ, chương trình trọng tâm, trọng điểm của từng đơn vị. Qua đó, mọi nguồn lực được phát huy để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả công tác. Khả năng sáng tạo của các tập thể, cá nhân được khơi dậy và phát huy, tạo điều kiện để phát triển con người, xây dựng tinh thần sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, sống có mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Điều đáng nói nữa, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc, tô thắm và minh chứng thêm cho tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước. Các tập thể, cá nhân điển hình như là những bông hoa đẹp trong một vườn hoa nhiều hương sắc, tỏa sáng tinh thần yêu nước, sống có lý tưởng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới. Vì vậy, tư tưởng, quan điểm và công tác chỉ đạo của Người về xây dựng, phát triển phong trào thi đua yêu nước luôn là một di sản quý báu, mãi mãi về sau còn nguyên giá trị để tạo ra sức mạnh cho dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Tường Mạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.