Những năm tháng gian lao mà anh dũng
Trải qua những năm tháng gian lao nơi chiến trường và góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, khi trở về đời thường, các thế hệ cựu thanh niên xung phong (TNXP) vẫn luôn tự hào về màu áo xanh mình đã mang.
Biến đau thương thành hành động
Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về thời kỳ TNXP vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (SN 1955, Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Buôn Ma Thuột).
Đầu năm 1972, lúc vừa tròn 17 tuổi, bà tham gia vào lực lượng TNXP, công việc chủ yếu là thồ đạn dược, lương thực, vật tư phục vụ cho chiến dịch giải phóng Ba Tơ (Quảng Ngãi). Bà kể, hàng chất sau lưng cao vượt quá đầu, mọi người len lỏi giữa rừng, lắm lúc suýt đi lạc vào khu vực đồn địch hay bị phục kích. Đối mặt với hiểm nguy rình rập nhưng không ai chùn bước. Trong gian nguy, tình đồng chí, đồng đội thêm thiêng liêng, mọi người gắn bó như anh em ruột thịt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (bìa trái) cùng cán bộ Hội Cựu TNXP TP. Buôn Ma Thuột đến tặng sổ tiết kiệm cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Bà nhớ nhất vào khoảng cuối năm 1972, bà bị thương trong lúc cõng hàng, được đưa về bệnh xá điều trị và khi hồi phục thì ở lại cõng hàng phục vụ bệnh xá. Vào một đêm nọ, máy bay Mỹ ập đến rải bom phá tan nhà cửa, ruộng vườn, các đồng đội đang làm việc tại bệnh xá bị trúng bom hy sinh. Chứng kiến cảnh tượng đồng đội ngã xuống ngay trước mắt khiến lòng bà quặn thắt, tuy nhiên bà cùng những người còn lại không nhụt chí mà kiên gan trụ vững, tiếp tục gánh vác công việc mà đồng đội còn dang dở...
Góp sức xây dựng đất nước
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mở ra một trang sử mới, cả nước bước vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh. Lực lượng TNXP lại có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, vùng đặc biệt khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ khắc phục hậu quả sau chiến tranh, khai hoang, phát triển giao thông, sắp xếp ổn định dân cư...
Năm 1978, hơn 4.000 thanh niên của tỉnh Nghĩa Bình (lúc chưa tách thành hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định) tham gia lực lượng TNXP đi xây dựng vùng kinh tế mới Thuần Mẫn (nay là huyện Ea H’leo). Ông Bùi Hoàng Sơn (Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Ea H’leo) nhớ lại: Lúc đó, việc đi lại phải băng rừng, lội suối, khí hậu thay đổi thất thường gây ra nhiều bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét hoành hành. Lương thực, thực phẩm không đủ ăn, chủ yếu là bắp xay và bột mì...
Ông Bùi Hoàng Sơn (bên phải) đến thăm mô hình phát triển kinh tế của hội viên trên địa bàn xã Ea Nam (huyện Ea H'leo). |
Vượt qua khó khăn và gian khổ, sau hơn 3 năm, một vùng kinh tế mới đã được hình thành với hai xã Ea Wy và Cư Mốt. Lực lượng TNXP của Tổng đội đã khai hoang được gần 2.000 ha đất rẫy và ruộng nước, xây dựng 1.100 nhà ở, đào 1.200 giếng nước, đón 5.000 dân từ Nghĩa Bình đến định cư. Bên cạnh nhiệm vụ khai hoang, xây dựng cơ bản, lực lượng TNXP đã thiết kế mở mang hàng chục cây số đường sá, xây dựng các công trình thủy lợi; hình thành và củng cố các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, xây dựng hệ thống chính trị cho các xã mới.
Từng nằm trong lực lượng TNXP tiền trạm Thái Bình xây dựng vùng kinh tế mới ở huyện Ea Súp vào năm 1977, ông Đinh Xuân Minh (SN 1960, Phó Chủ tịch Hội Cựu TNXP TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn tự hào khi được đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Ông trải lòng, khi tỉnh Thái Bình có chủ trương huy động lực lượng tham gia xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam, ông liền hăng hái đăng ký tham gia. Lúc bấy giờ, tình hình an ninh chính trị rất phức tạp, bọn phản động FULRO hoạt động ráo riết nên cùng với khai hoang, làm thủy lợi để đón dân lên xây dựng kinh tế mới, một số lực lượng TNXP tiền trạm Thái Bình còn chuyển sang lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
“Dù cuộc sống có phần thiếu thốn, gian khổ, thậm chí đối mặt với hiểm nguy nhưng trong lòng mỗi cựu TNXP ngày ấy vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết, ý chí và một lòng nỗ lực góp sức xây dựng, bảo vệ đất nước”, ông Minh bộc bạch.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc