Multimedia Đọc Báo in

Nơi miền quê khởi đầu Cách mạng Tháng Tám ở Huế

16:00, 31/08/2023

Xuôi theo Quốc lộ 1 từ TP. Huế về phía nam, đến cầu vượt đường tránh Huế (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), rẽ hướng Đông Nam theo trục tỉnh lộ thoáng rộng thênh thang, chúng tôi đến cầu Trường Hà trong cảm giác lâng lâng trước cảnh sắc mây trời lộng gió, đặc biệt là sự đổi thay đến ngỡ ngàng của những làng quê “cát trắng, nắng bỏng” đeo bám một thời gian khó.

Chúng tôi tiếp tục xuôi về phía biển, trên trục lộ nối Huế với các làng xã ven biển Phú Vang, Phú Lộc. Cuộc sống mới nơi làng quê trở nên sôi động, náo nhiệt với vô số nhà cửa khang trang, trường học, trạm y tế, chợ búa, tiệm tạp hóa, nhà hàng hải sản nối nhau… dệt nên bức tranh thái bình, no ấm.

Là người con của quê hương Phú Lộc, dọc đường tôi đã kể cho bạn nghe về vùng đất, con người và truyền thống văn hóa – lịch sử nơi đây để bạn hiểu và thêm tự hào về quê hương, về sự thay da, đổi thịt của một vùng quê với bao địa danh, tên tuổi, chiến công lẫy lừng đã đi vào sử sách...

Tôi đưa bạn thẳng về cửa biển Tư Hiền (Ô Long - Tư Dung - Tư Khách), lên chùa Thánh Duyên (Túy Vân), núi Linh Thái…, những địa danh gắn liền với bao huyền tích, chuyện kể lịch sử của buổi đầu mở cõi về phương Nam dưới các triều đại Lý - Trần - Lê - Nguyễn; nơi được vua Thiệu Trị xếp vào một trong hai mươi thắng cảnh đẹp nhất của xứ Thần kinh. Đứng trên núi Linh Thái – Túy Vân phóng tầm mắt bốn bề sóng nước, trước mặt là biển Đông mênh mông sóng vỗ bên cửa biển Tư Hiền, sau lưng là đầm Cầu Hai - nơi 78 năm trước, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền theo chỉ thị của Đảng và Bác Hồ. Tôi đưa bạn ghé thăm làng Nghi Giang, thuộc xã Vinh Giang (nay là Giang Hải) - nơi còn lưu dấu tích lịch sử mùa Thu tháng Tám hào hùng của gần 80 năm trước ở vùng đất Kinh đô.

Xuôi theo Quốc lộ 1 từ TP. Huế về phía nam, đến cầu vượt đường tránh Huế (xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế), rẽ hướng Đông Nam theo trục tỉnh lộ thoáng rộng thênh thang,

Vinh Giang là xã vùng ven biển, đầm phá thuộc khu 3, huyện Phú Lộc. Nơi đây xưa kia nghèo khó, cách trở đò ngang, nhưng là một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng ngay từ ngày đầu thành lập Đảng. Trên vùng đất này, trong những năm 30 - 40 của thế kỷ trước đã có rất đông thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia hoạt động trong các phong trào cứu nước. Từ đó tinh thần yêu nước và cách mạng đã lan tỏa khắp xóm thôn. Dù kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man nhưng nhân dân Vinh Giang nói riêng, khu 3 nói chung vẫn trọn niềm tin với Đảng - trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên thời kỳ 1942 – 1945 là một minh chứng.

Năm 1942, trước sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên đã quyết định chuyển cơ sở của Đảng bộ tỉnh về hoạt động tại làng Nghi Giang, xã Vinh Giang – nơi có phong trào cách mạng sôi nổi, nhưng đảm bảo bí mật. Ngôi nhà của đồng chí Lê Minh (Tư Minh) được chọn làm trụ sở cơ quan Tỉnh ủy. Tại đây, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Bí thư Tỉnh ủy thường xuyên làm việc và chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh, liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và các địa phương khác; cũng là nơi tổ chức in ấn tài liệu phân phối cho các cơ sở trong tỉnh. Các tờ báo "Đuổi giặc", "Vì nước", "Vì dân" cùng các truyền đơn, khẩu hiệu, điều lệ Đảng cũng được ra đời từ đây. Ngôi nhà này cũng là nơi tập kết, chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức trên đầm Cầu Hai (tháng 5/1945) để bàn kế hoạch chuẩn bị Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Chính từ ngôi nhà này, những chỉ thị, chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Thừa Thiên đã được truyền tới quân và dân trong tỉnh. Hoạt động cơ quan Tỉnh ủy trong thời gian này góp phần quan trọng chỉ đạo toàn dân thực hiện Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên.

Ngoài ra, nơi đây còn ghi nhiều cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của những đảng viên tiền bối như Lê Bá Dị, Lê Cương, Phan Sung, Nguyễn Đình Sản, Lê Hải… Cũng chính tại đây, đồng chí Lê Minh đã giác ngộ, trở thành yếu nhân của phong trào khởi nghĩa theo tiếng gọi của Đảng – Bác Hồ, tích cực tham gia sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên - Huế, Bí thư Thành ủy Huế - Chỉ huy trưởng mặt trận Huế trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.