Multimedia Đọc Báo in

Hồ Quý Ly với việc phát hành tiền giấy

08:18, 27/09/2023

Hồ Quý Ly (1336 – 1407) là nhà cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam. Ông đã tiến hành một loạt các biện pháp cải cách về nhiều mặt hành chính, giáo dục, khoa cử, kinh tế, quân sự, trong đó bao gồm cả việc phát hành tiền giấy và chuyển kinh đô từ Thăng Long về Thanh Hóa.

Lập vương triều Hồ

Hồ Quý Ly sinh năm Bính Tý, quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa). Tổ tiên của ông là họ Hồ ở Chiết Giang, Trung Quốc sang sinh sống ở vùng này. Đời thứ 12 ông Hồ Liêm được ông Lê Huấn (làm quan chức Tuyên úy) giúp đỡ nhận làm con nuôi nên đổi thành họ Lê. Lê Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm, học hành đỗ đạt, làm quan dưới thời Trần.

Lê Quý Ly có hai người cô ruột đều là cung nhân của vua Trần Minh Tông (làm vua từ 1314 đến 1329), vì vậy ông được triều đình tin dùng, sau này hai người cô của Quý Ly là mẹ đẻ của hai vua kế nối là vua Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông, từ đây Quý Ly bước lên đến nấc thang cao nhất của danh vọng, cũng như quyền lực. Năm 1394, Thượng hoàng Nghệ Tông băng hà, năm sau Quý Ly được phong chức Nhập nội phụ chính Thái sư bình chương quốc trọng sự, triều Trần mất quyền lực từ đây. Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi rằng: “Thể lệ của nhà Trần, dùng người trong tộc họ Trần làm Tể tướng, dẫu nắm công việc trong nước, cũng không được quyền cai quản quân đội, quyền bính trong nước do quan Hành khiển giữ. Vua Nghệ Tông phá lệ, không dùng người họ Trần, phong Hồ Quý Ly làm Bình chương phụ chính, lại cai quản cả quân đội, khiến cho quyền Hồ Quý Ly to lớn, mới gây họa cướp ngôi” (NXB Hồng Bàng - 2013, trang 151).

Năm 1397 Quý Ly cho dời kinh đô về Thanh Hóa, năm 1398 bức vua Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử An mới 3 tuổi, tức là vua Thiếu Đế. Năm 1399 sai quần thần giết Thượng hoàng Thuận Tông; tháng 2 năm Canh Thìn (1400), Quý Ly truất ngôi Trần Thiếu Đế tự xưng làm Quốc tổ Chương hoàng, lên làm vua lấy Quốc hiệu Đại Ngu, lấy họ gốc xưa lập nên nhà Hồ. Triều đại nhà Trần chấm dứt sau 174 năm tồn tại.

Phát hành tiền giấy

Lịch sử nhìn nhận một cách công bằng Hồ Quý Ly là một vị vua có hoài bão lớn, muốn cải cách toàn diện đất nước, đặc biệt ông là người đầu tiên cho phát và lưu hành tiền giấy đầu tiên ở nước ta.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên và Ngô Sỹ Liên (NXB Khoa học xã hội ấn hành năm 1993) chép: “Hồ Quý Ly phát hành các tờ tiền giấy Thông Bảo hội sao vào năm Bính Tý (1396) để thay thế tiền đồng, tức là từ khi ông còn chưa lên ngôi vua. Thể thức phát hành như sau: Tờ 10 đồng vẽ rồng, tờ 30 đồng vẽ sóng, tờ 1 tiền vẽ mây, tờ 2 tiền vẽ rùa, tờ 3 tiền vẽ lân, tờ 5 tiền vẽ phượng, tờ 1 quan vẽ rồng. Kẻ nào làm tiền giả bị tội chết, ruộng đất, tài sản tịch thu. Cấm tuyệt tiền đồng, không được chứa lén, tiêu vụng, tất cả thu hết về kho Ngao Trì ở kinh thành và trị sở các xứ. Kẻ nào vi phạm cũng bị trị tội như làm tiền giả”.

Tiền “Hội sao thông bảo” do một nhà sưu tầm vẽ lại. Ảnh: Internet
Tiền “Thông bảo hội sao” do một nhà sưu tầm vẽ lại. Ảnh: Internet

Việc thu hồi tiền bằng kim loại đồng theo Hồ Quý Ly là nhằm mục đích để đúc súng, các thiết bị quân sự và vũ khí để phục vụ triều đình bảo vệ đất nước cũng chỉ là cái cớ để thực hiện mưu đồ. Năm 1400 - 1401 chính Thái Thượng hoàng Hồ Quý Ly cho đúc tiền đồng Thánh Nguyên Thông Bảo, Thánh Nguyên là niên hiệu của Hồ Quý Ly được lưu hành song song với tiền giấy Thông Bảo hội sao. Nhà Hồ phát hành tiền giấy song không được người dân đón nhận, mà giữ lại tiền đồng sẽ bị xử nặng theo quốc pháp nên không ít nơi ở các địa phương họ trao đổi ngang giá về vật chất với nhau.

Trong cuốn “Tiền cổ Việt Nam” của Lục Đức Thuận, Võ Quốc Ky (NXB Giáo dục năm 2009, trang 63) có ghi nhận định của sử gia Phan Huy Chú về tiền giấy của Hồ Quý Ly: “Giấy sao chỉ là miếng giấy vuông chừng 1 thước, chỉ đáng giá năm ba đồng tiền, mà đem đổi lấy những vật giá năm sáu trăm đồng của người ta, đã không hợp lý, lại làm cho người ta cất giữ, thì dễ rách nát. Kẻ làm giả mạo thì không thể bắt hết; như vậy không thể làm cho vật giá trung bình mà dân thông dụng được. Quý Ly không xét đến lợi hại, chỉ mộ cái hư danh là sáng tác, làm ra tiền giấy, rồi cũng úng tắc ngay, không lưu thông được, chỉ làm cho dân xôn xao, không phải là chế độ để làm cho nước được bình trị”. Sự rạn nứt lòng tin trong dân chúng tăng dần từ việc phát và lưu hành tiền giấy, thêm vào đó Hồ Quý Ly bị phê phán như những kẻ trộm cắp cướp đoạt ngôi báu của nhà Trần. Năm 1407 nhà Minh ở phương Bắc sang xâm lược, người dân không ủng hộ, nhà Hồ đã sớm suy vong.

Võ Trần Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.