Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 9 năm 2023

14:09, 08/09/2023

Sáng 8/9, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến báo cáo viên Trung ương tháng 9/2023 với 1.998 điểm cầu và trên 70.000 đại biểu trong cả nước tham dự.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Chiến Thắng; các báo cáo viên Trung ương công tác tại tỉnh; báo cáo viên Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị hữu quan.

Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin chuyên đề “Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 và định hướng lớn của ngành giáo dục – đào tạo trong thời gian tới” với các nội dung: Thực trạng và những nhiệm vụ trọng tâm năm học; thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Theo đó, kết thúc năm học 2022-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 người (tăng 71.927 người so với năm học trước). Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học; một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn. Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp.

Năm học 2023 - 2024, ngành giáo dục đặt ra 12 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; Bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo…

Về việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông qua kiểm tra thực tế cho thấy việc đổi mới phương pháp giáo dục đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên tự tin, làm chủ lớp học tốt hơn, năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện rõ vai trò người tổ chức, kiểm tra, định hướng.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao thông tin chuyên đề “Cạnh tranh chiến lược nước lớn hiện nay – Tác động và chính sách của Việt Nam”. Theo đó, các đại biểu được thông tin về việc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; bối cảnh đó đặt Việt Nam trước những cơ hội và thách thức lớn trong quá trình triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; đối sách và ứng xử của Việt Nam đối với cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn thời gian qua…

Định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tích cực tham gia tuyên truyền về công tác giáo dục, dạy tốt học tốt phải theo phương châm, có chiều sâu, có sự lan tỏa tích cực, chia sẻ khó khăn với thầy và trò ở vùng sâu, vùng xa; Tuyên truyền Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại của Đại hội XIII là Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ cùng đồng loạt tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc…

Bên cạnh đó, thời gian tới cần tập trung tuyên truyền sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động đối ngoại, sự kiện quốc tế quan trọng như: Kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Singapore góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước; Kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các Hội nghị cấp cao liên quan, quan điểm của Việt Nam…

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.