Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực văn hóa – xã hội
Chiều 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi kết thúc chất vấn đối với nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp, Quốc hội tiến hành chất vấn về các lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Tại phiên làm việc, các đại biểu đã nêu lên nhiều ý kiến, đề nghị các Bộ trưởng làm rõ như: giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác y tế; chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hệ thống trạm y tế; giải pháp chấm dứt tình trạng chậm thanh toán, quyết toán bảo hiểm y tế; việc giải quyết trăn trở của đội ngũ giáo viên; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với chương trình giáo dục thường xuyên; hạn chế, nguyên nhân trong việc đưa lao động người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài; việc triển khai giải pháp hỗ trợ sinh kế cho lao động nữ sau đại dịch COVID-19; định hướng và chính thống hóa các trang fanpage của các tổ chức, cơ quan; giải pháp hoàn thành mục tiêu phủ sóng triệt để tại các thôn, bản; xử lý việc quảng cáo các thực phẩm bảo vệ sức khỏe chưa được thẩm định; trách nhiệm và giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá trong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ; giải pháp về nguồn lực cho công tác văn hóa, thể thao và du lịch…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành y tế là vấn đề cấp bách, vì vậy ngành y tế chỉ đạo triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý của ngành y tế. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực triển khai và đang áp dụng thí điểm triển khai thực hiện đề án khám chữa bệnh từ xa, bước đầu mang lại hiệu quả và tổ chức đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm nhân rộng ra đơn vị và cơ sở y tế khác.
Với việc triển khai hồ sơ điện tử, Bộ Y tế triển khai thí điểm, trong đó tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua cũng quy định nội dung liên quan đến thành phần về công nghệ thông tin nằm trong chi phí quản lý của các cơ sở khám chữa bệnh. Theo lộ trình, hiện nay Chính phủ đang triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), những nội dung này sẽ được cụ thể hóa trong thời gian tới.
Về vấn đề bệnh nhân mua thuốc ngoài có được thanh toán bảo hiểm y tế hay không, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về nguyên tắc, cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc chữa bệnh, không để người bệnh phải mua thuốc ngoài trong thời gian điều trị nội trú, nếu cho người bệnh tự mua thì dẫn đến nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc, an toàn người bệnh, giải quyết tranh chấp khi có tai biến, rủi ro, lạm dụng chỉ định.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Bộ trưởng cho biết, trong quá trình phòng chống dịch COVID-19, đã nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, thực tế, nhiều cơ sở y tế không đảm bảo đủ thuốc, bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc để tự điều trị. Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng nêu rõ, quyền lợi của bệnh nhân, của người tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo, đây là yêu cầu chính đáng, cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Ngoài ra, Bộ đề xuất nghiên cứu cơ chế để cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc giữa các cơ sở khi kết quả thầu còn hiệu lực, đồng thời cần rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024, Bộ sẽ thực hiện bổ sung thêm danh mục thuốc để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 15/8 vừa qua, trước thềm năm học, Bộ có tổ chức gặp gỡ, trao đổi trực tuyến với hơn 1 triệu giáo viên, trong cuộc gặp gỡ có hơn 6.300 câu hỏi, ý kiến đã được gửi đến, bày tỏ sự đồng tình với xu hướng đổi mới giáo dục đào tạo do Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang dẫn dắt.
Dù công tác đổi mới giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đây cũng là vinh dự, các thầy cô giáo đều thể hiện quyết tâm vượt qua. Bên cạnh đó, các nhà giáo cũng bày tỏ tâm tư khi thách thức lớn, đời sống và các điều kiện của nhà giáo còn hạn chế, khó khăn, giáo viên trẻ mới vào nghề gặp khó khăn về mức lương; giáo viên ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện cơ sở vật chất hạn chế. Các giáo viên cũng mong muốn xã hội, phụ huynh có thêm sự chia sẻ với công việc lớn mà lực lượng giáo viên đang làm, đồng thời cần có sự cải thiện về mức lương, điều kiện sống.
Đối với cơ cấu của các kỳ thi trong chương trình giáo dục phổ thông, Bộ trưởng cho biết, theo thiết kế chương trình, bậc trung học cơ sở là bậc giáo dục cơ bản nền tảng tích hợp để trang bị những kiến thức cơ bản nhất của giáo dục phổ thông. Trong chương trình bậc trung học phổ thông sẽ tăng cường yếu tố phân luồng hướng nghiệp, tăng sự chủ động lựa chọn cho học sinh. Việc tổ chức dạy học tích hợp cũng như trang bị kiến thức ở trung học cơ sở đảm bảo cơ bản và nền tảng cũng đã được triển khai thực hiện trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, nếu trong 12 năm phổ thông có quá nhiều kỳ thi thì sẽ quá nặng cho học sinh. Dư luận xã hội, phụ huynh và ngành giáo dục đều nhận thức sự cần thiết phải giảm các kỳ thi khi kết thúc trung học cơ sở để chuyển sang trung học phổ thông. Kết thúc trung học phổ thông, dẫu đã là giai đoạn phân luồng hướng nghiệp, tuy nhiên vẫn trong phạm vi giáo dục phổ thông và để kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông, cần thiết có một kỳ thi tốt nghiệp, điều này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu về tính chính danh của các cơ quan, tổ chức trên mạng xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, với mong muốn của nhiều tổ chức về nhu cầu có tính chính thức của các trang trên mạng xã hội để truyền tải đến xã hội và thể hiện uy tín của trang; hiện một số nền tảng mạng xã hội đã có tính năng hỗ trợ tính năng đó như Facebook với tính năng “tích xanh” nhưng chưa phải tất cả mạng xã hội có chức năng này. Do đó, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các mạng xã hội để phát triển tính năng này. Về cơ bản đến cuối năm các nền tảng mạng xã hội lớn sẽ có chức năng này và Bộ sẽ thể chế hóa quy định về vấn đề này quy định về nội dung trên Internet.
Về vấn đề phủ sóng vùng sâu vùng xa, miền núi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi có đại dịch COVD-19, học trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ đã có Chương trình Sóng và máy tính cho em. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng và các Sở tiến hành rà soát từng vùng lõm sóng để tiến hành phủ sóng. Đến nay đã có 2.100 vùng lõm sóng đã được phủ sóng. Tỉ lệ phủ sóng 4G của Việt Nam hiện đạt 99,8% xếp trên dân số. Trong khi các nước thu nhập trung bình cao tỉ lệ này là 99,4%.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện vẫn còn 420 điểm lóm sõng cần tiếp tục thực hiện phủ sóng. Thời gian tới Bộ sẽ sử dụng Quỹ Viễn thông công ích cho nhiệm vụ này và phấn đấu hoàn thành trước tháng 6/2024. Tuy nhiên, điều khó khăn là có đến 150 điểm lõm sóng chưa có điện nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Tập đoàn Điện lực để đưa điện đến các vùng này, trong đó có tính đến phương án điện mặt trời.
Về quảng cáo thực phẩm chức năng và thuốc sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các quảng cáo này có trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Vừa qua Việt Nam đã có cơ chế làm việc với các nền tảng này về việc gỡ bỏ các thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật; đồng thời thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của các bên.
Hiện nay, tỉ lệ thực thi các yêu cầu của quản lý nhà nước về gỡ những thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội là rất nghiêm. Nhưng vấn đề là phải có phát hiện và báo cáo. Vấn đề đặt ra là bộ, ngành, địa phương nào quản lý gì trong thế giới thực phải di chuyển lên không gian mạng và thực hiện việc quản lý đó trên không gian mạng. Nếu thực thi gặp khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Công an. Mặt khác các bộ, ngành lên không gian mạng chưa nhiều, và nghĩ đây là trách nhiệm riêng của Bộ Thông tin – Truyền thông, thì đây là quan niệm cần được thay đổi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về bảo vệ người dùng trên không gian mạng, Bộ trưởng cho biết hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong thời gian cuối năm nay. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ xử lý như thế nào.
Bộ trưởng khẳng định, sau khi có thể chế, cần có thể chế để hỗ trợ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng cũng cần thành lập các trung tâm xử lý ở mức sâu hơn tại các tỉnh để hỗ trợ người dân.
Bộ cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm để mang tính răn đe. Đồng thời, có phương án, giải pháp xây dựng văn hóa số, đưa vào chương trình giáo dục thông tin, lồng ghép vào các giờ học về công nghệ thông tin…
Bộ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn của đại biểu về học phí đối với chương trình giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo tinh thần Nghị định 81 năm 2021, đối tượng các trường ngoài công lập và học sinh học nghề hoàn toàn được hưởng đầy đủ các chính sách miễn, giảm học phí như học sinh học nghề ở trong các cơ sở công lập.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay một số địa phương đang có cách hiểu khác nhau vì hiện nay các trường nghề đang theo tinh thần Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư cũng như Nghị quyết chất vấn của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó cho phép học sinh trung học cơ sở học song song, vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ trưởng cho biết, sau Kỳ họp này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra vấn đề này. Nếu còn có những vấn đề khúc mắc, Bộ sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện.
Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc tại nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, đây là chủ trương rất lớn trong tổng thể đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hiện chúng ta đã có những chương trình dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng đã dành một chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động nước ngoài, được miễn phí các chế độ chính sách bao gồm: học nghề, học ngoại ngữ.
Ngoài ra, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng có một kênh riêng để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ đối tượng này, nhưng kết quả đưa thanh niên là người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do công tác tuyên truyền, vận động và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số nên nhiều trường hợp đi nước ngoài rồi nhưng buồn, nhớ nhà nên phải quay về. Thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm tìm giải pháp cho vấn đề này.
Về chất vấn của đại biểu liên quan đến lao động nữ, Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, tỷ lệ lao động nữ tại các khu công nghiệp, các lĩnh vực thâm dụng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành giày da, dệt may. Sau phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án và đã trình bước đầu với Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trong chương trình đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bộ cũng đề xuất các ưu tiên trong nghiên cứu khoa học, vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã làm việc với Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, giao Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam xây dựng đề án hỗ trợ đối tượng là lao động nữ lập nghiệp. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội bố trí nguồn vốn riêng hỗ trợ phụ nữ trong khởi nghiệp và lập nghiệp…
Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian qua, Bộ cũng có chủ trương về các địa phương làm việc với các địa phương, các huyện, các trường để tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học của các trường và nhu cầu của địa phương.
Về liên kết Viện, Trường, Bộ trưởng cho biết, ở các nước mô hình liên kết 3 nhà (Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp) đã được ứng dụng rất hiệu quả. Việt Nam chúng ta hiện nay cũng đang hướng đến chủ trương xây dựng mô hình này.
Trả lời chất vấn của đại biểu về tạo nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, về giải pháp tạo cơ chế nguồn lực, Bộ đang có hai cách tiếp cận. Cách tiếp cận thứ nhất, nguồn lực theo nghĩa rộng, Bộ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặt tầm quan trọng của văn hóa lên ngang bằng với kinh tế, chính trị.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn |
Sau thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội thảo về cơ chế, nguồn lực cho phát triển văn hóa, các hội thảo khác cũng đã làm rõ những nội hàm, giá trị, hệ giá trị giúp cho nền văn hóa có niềm tin mới, nguồn lực mới, động lực mới để tập trung cho phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Nếu coi nguồn lực ở nghĩa hẹp là tài chính, Bộ trưởng cho biết, đây cũng là vấn đề Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Năm 2004, Bộ Chính trị đã có quyết nghị phải chi cho văn hóa đạt ít nhất 1,8%, nhưng kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy tổng chi ngân sách nhà nước cho văn hóa chỉ đạt 1,7%. Nhiệm kỳ này, đã có sự quan tâm hơn, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải đạt mức chi 2%.
Để có giải pháp căn cơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn 10 năm, trong đó đặt ra 7 mục tiêu tổng quát, 9 dự án thành phần, trong đó nhấn mạnh về dự án môi trường văn hóa, phát triển con người, nâng cao hiệu quả thông tin, bảo tồn phát huy các giá trị, đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập quốc tế.
Nhấn mạnh nguồn lực phải bắt nguồn từ cơ chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ cũng phối hợp cùng các bộ, ngành để rà soát các bộ luật, sửa đổi theo hướng không chỉ quản lý, mà còn kiến tạo, trong đó sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến đầu tư, hợp tác công tư, thuế để tạo cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công dẫn dắt, huy động nguồn lực xã hội bổ sung cho nguồn lực văn hóa…
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc