Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề về kinh tế tổng hợp

15:08, 06/11/2023

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 6/11 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên Chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Nhấn mạnh, phạm vi nội dung rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chất vấn, vừa đảm bảo tính toàn diện vừa có trọng tâm, trọng điểm, thuận lợi cho cả đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành 4 nhóm lĩnh vực, cụ thể là: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường; Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội: gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo Khoản 6 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HDNĐ. Đối với các thành viên Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn…

Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Toàn cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trong phiên làm việc buổi sáng, sau khi nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn; Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo và báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất về kinh tế tổng hợp.

Chất vấn về nội dung này, các đại biểu thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và yêu cầu làm rõ nguyên nhân đầu tư cho lĩnh vực còn dàn trải; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công; đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội; nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ Quốc hội giao; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp căn cơ cho việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; nguyên nhân và các giải pháp để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu 14% như đã đề ra; công tác xây dựng pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh; giải pháp để cải thiện mức tín nhiệm quốc gia hướng với mục tiêu xếp hạng đầu tư; vấn đề bố trí ngân sách cho phong trào đoàn đội trong nhà trường; giải pháp giảm tình trạng lãng phí trong đầu tư công; giải pháp giải quyết các quy định chồng lấn trong việc sử dụng chi thường xuyên để mua sắm, sửa chữa, nâng cấp tài sản công; chiến lược đột phá để thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phát triển chíp bán dẫn; giải pháp để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa; việc thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới; ngăn chặn tín dụng đen; nguyên nhân của việc chậm trễ trong các quy hoạch…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn đại biểu về công tác quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017. Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.

Bộ trưởng khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả của tài sản công. Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công. 

Về chất vấn của đại biểu về chi thường xuyên và chậm ban hành thực hiện Nghị quyết 74, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến của các bộ, ngành, tháng 3/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện cho các năm tiếp theo. Do liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và phải lấy ý kiến của nhiều nơi cho nên cũng có phần chậm so với quy định. Tuy nhiên, việc triển khai đối với việc thực hiện kỳ nghị quyết 74 cơ bản là nâng cao về trách nhiệm của các cơ quan quản lý tài sản.

Là cơ quan tập hợp và quản lý nhà nước về quản lý tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công và từ đó siết chặt quản lý hiệu quả hơn.

Trả lời chất vấn của đại biểu về quản lý tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc quyền quản lý của UBND các địa phương; đối với tài sản công thuộc cấp trung ương do Chính phủ quản lý, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công là các bộ, ngành.

Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công, còn 10% - với gần 1 nghìn tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí...

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Về hình thức mua lại các tài sản tư để đưa về tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, hiện nay trong thiết kế của Luật Quản lý tài sản công chưa có hình thức này. Vì vậy, vừa qua có một số nhà đầu tư có ý định mua lại khi có thay đổi hướng tuyến, chúng ta vẫn chưa xử lý được. Quốc hội là cơ quan ban hành luật, nên thẩm quyền vấn đề này thuộc về Quốc hội, Quốc hội có thể ban hành Nghị quyết về vấn đề này.

Về tín nhiệm quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm, vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ có làm việc tổ chức như NP và Moody và cho thấy các tổ chức này đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng năng động phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam. Đặc biệt các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản…và đều hài lòng và tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.

Trả lời câu hỏi về Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng vướng mắc cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Nghị định 73 của Chính phủ đối với hệ thống công nghệ thông tin thì hướng dẫn thực hiện nghị định 73 còn vướng mắc, phần đầu tư có phải lập dự án đầu tư hay có đưa vào đầu tư công trung hạn hay không. Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.

Trước quan điểm cho rằng quy định về các định mức không phù hợp gây ra lãng phí trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, qua nghiên cứu định mức xây dựng đối với một số công trình giao thông, kiến trúc cho thấy không thấy lãng phí mà nhiều định mức thấp hơn so với chi phí như định mức nhân công. Lãng phí đầu tư công không phải ở định mức mà là ở quá trình triển khai như để công trình chậm đưa vào sử dụng, vốn chờ công trình hay công trình chờ vốn... Các định mức đối với công trình xây dựng cơ bản được triển khai nhiều năm, qua nhiều công trình đều bảo đảm chặt chẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

Về kinh phí sự nghiệp bố trí cho phong trào Đoàn, Đội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đây là định mức kinh tế kĩ thuật ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về học nghề cho quân nhân giải ngũ liên quan đến Tổng Cục dạy nghề và các đơn vị của quân đội. Về phía Bộ Tài chính đều bố trí đầy đủ theo dự toán, nhu cầu của các bộ, ngành gửi.

Liên quan đến vấn đề về phong trào Đoàn, Đội trong trường học, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đây thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có Thông tư 05 năm 2015, chỉ quy định về vấn đề phụ cấp của giáo viên kiêm nhiệm đối với phong trào Đoàn, Đội, còn hoạt động của phong trào Đoàn Đội có bố trí kinh phí không, bố trí như thế nào, tổ chức theo cung cách thế nào… thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quy trình ngân sách, các công việc đó phải được các cấp ngân sách trình lên, Bộ Tài chính là cơ quan tổng hợp, không có vai trò đề xuất phát sinh các khoản chi.

Về vấn đề quản lý tài sản công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, công tác này thuộc thẩm quyền của nhiều ngành, nhiều cấp, trách nhiệm thuộc về người trực tiếp quản lý tài sản công, thủ trưởng của các đơn vị quản lý tài sản công, nếu mất mát thì trách nhiệm là ở cơ quan quản lý tài sản đó. Bộ Tài chính có vai trò hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, định mức kinh tế kỹ thuật. Vấn đề cần thực hiện hiện nay là cần nâng cao trách nhiệm quản lý tài sản công, cụ thể hóa, cá thể hóa đến từng người quản lý tài sản. Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh đôn đốc, thanh tra, kiểm tra đối với công tác này.

Về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, vấn đề này được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc. Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn.

Theo Bộ trưởng, điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy, bởi người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu đồng, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu đồng. Để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn. Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có file ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn về giải ngân gói tín dụng cho vay mua nhà và thanh toán không dùng tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết: Về chương trình gói 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, NHNN thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ tiến tới mục tiêu 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới. Đây là gọi tín dụng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng, lãi suất ưu đãi cũng từ các ngân hàng.

NHNN có văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện; đồng thời có văn bản gửi UBND các tỉnh/thành phố quan tâm công bố các dự án theo diện cho vay theo gói tín dụng này. NHNN yêu cầu các ngân hàng ban hành quy trình nội bộ để triển khai.

Thời gian qua đã có 18/63 UBND cấp tỉnh công bố dự án tham gia chương trình với 53 dự án. Đến nay đã có 105 tỉ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh/thành được giải ngân. 

Thống đốc NHNN cho biết, giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kĩ lưỡng. Điều kiện cho vay còn những điểm chưa phù hợp. Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên việc giải ngân theo thời gian NHNN kiến nghị mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời NHNN sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ

Trả lời chất vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua NHNN thực hiện nhiều giải pháp như rà soát hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay nhiều hoạt động được thực hiện qua các kênh số, ứng dụng công nghệ, bảo đảm an toàn hoạt động thanh toán. 

Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt trong 9 tháng qua tăng trưởng cao như tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 49% về số lượng, giao dịch qua internet tăng 60,3%, qua kênh điện thoại di động tăng 60,8%, qua QR code tăng 105%... Giao dịch qua ATM giảm cho thấy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng. Tháng 9/2023 thanh toán tiền mặt trên tổng thanh toán giảm 9,17% so với mức 11,73% so với 2020 cho thấy kết quả đáng kể. 

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tăng trưởng tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. 

Về nguồn cung tín dụng, NHNN đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Về điều hành tăng trưởng tín dụng tiến tới xóa bỏ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là một trong các giải pháp điều hành của NHNN, kết hợp với các công cụ chính sách khác. Trên thực tế, NHNN điều hành bám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng.

Liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình này, thời gian qua tích cực triển khai, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN cũng như Thống đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội với vai trò của mình tiếp tục chỉ đạo cùng với các thành viên Hội đồng quản trị sẽ triển khai qua kênh này. Nhất trí rằng mục tiêu 1 triệu căn hộ đòi hỏi sự tham gia của toàn hệ thống, do đó NHNN sẽ phối hợp bộ ngành địa phương, công đoàn thì sẽ tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đạt mục tiêu chương trình.

Về vấn đề tín dụng đen, thời gian qua đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Bộ Công an cùng với các bộ, ngành trong đó có NHNN cũng đã triển khai quyết liệt rất nhiều giải pháp. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị và Công điện để thúc đẩy triển khai để tăng khả năng tiếp cận tín dụng các kênh chính thức, hạn chế tín dụng đen. Về phía NHNN đã ban hành Quyết định để triển khai hành động, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được tín dụng từ các kênh chính thức…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn các đại biểu về các chính sách hỗ trợ Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định số 58 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi, phát triển nhanh và bền vững đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105 năm 2023 về giải pháp để tháo gỡ cho khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây là 2 chính sách rất quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng phát triển kinh tế chung...

Về dự án ODA, tiến độ thực hiện của các dự án này đang chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên giống đầu tư công nói chung, các dự án ODA phải thực hiện theo rất nhiều quy định khác nhau. Quy trình, thủ tục phức tạp hơn khi phải thực hiện theo các quy định trong nước về đầu tư công, các quy định của nhà tài trợ nước ngoài cũng như các quy trình thủ tục đàm phán các hiệp định vay, thoả thuận vay,....Các dự án sau khi hoàn tất thủ tục mà có sự điều chỉnh thì phải thực hiện lại quy trình cả trong nước và điều chỉnh các hiệp định. Do đó, các dự án này mất nhiều thời gian và tiến độ.

Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để hài hòa thủ tục trong nước và nước ngoài để vừa đảm bảo chặt chẽ và rút ngắn được thời gian.

Về tiết kiệm trong đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ đồng tình với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo đó, về vấn đề đầu tư công, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất thoát, có thể từ khâu lựa chọn dự án, có thể do quy mô của dự án không được xác định rõ ràng, hoàn chỉnh ngay từ đầu; công tác chuẩn bị đầu tư, nếu khảo sát tốt thì quá trình triển khai sẽ nhanh hơn, không bị tăng chi phí. Ngoài ra, còn nhiều lý do từ các khâu thiết kế, khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện, khiến kéo dài dự án, giảm hiệu quả tiết kiệm trong đầu tư công.

Về câu hỏi của đại biểu liên quan đến công tác quy hoạch, Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 61, các vướng mắc cơ bản được tháo gỡ, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh. Hiện đã có 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, đã hoàn thành việc thẩm định và trình thẩm định và đã phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan. 

Còn hai vấn đề đang tồn đọng lại các dự án chúng ta đã thẩm định xong nhưng lại phải mất thời gian để hoàn thiện, phải tiếp thu ý kiến của Hội đồng và hoàn thiện lại hồ sơ, trình Thủ tướng, vì vậy mất rất nhiều thời gian. Thứ hai là quy hoạch về thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ do Bộ Công thương đang đề nghị xin không lập vì không có cơ sở dữ liệu về vấn đề này.

Bộ trưởng cũng cho biết, còn 4 quy hoạch của địa phương, trong đó có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là hai cực tăng trưởng, có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp. Còn quy hoạch Bình Dương và Đồng Nai đang tiến hành đôn đốc và cơ bản hoàn thành trong năm 2023…

* Chiều nay, các Bộ trưởng và Thống đốc NHNN Việt Nam tiếp tục trả lời các câu hỏi cũng như làm rõ các vấn đề đang tranh luận.

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc