Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm lĩnh vực kinh tế ngành

19:06, 06/11/2023

Trong khuôn khổ chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 6/11 dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sau khi kết thúc nội dung chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm lĩnh vực kinh tế ngành.

Tại phiên làm việc, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến chất vấn và yêu cầu làm rõ các vấn đề như: Công tác cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại do sạt lở và lũ quét; trách nhiệm quản lý nhà nước trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; trách nhiệm trình dự án đầu tư không chính xác; điều chỉnh quy định tốc độ tối đa trên các tuyến đường cao tốc; nguyên nhân chậm chi trả tiền bảo vệ rừng; Kế hoạch ban hành cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời; giải pháp của việc đầu tư một số tuyến đường cao tốc không có làn xe, dừng xe khẩn cấp; giải pháp chỉnh trang, xây dựng bộ mặt đô thị Việt Nam; làm rõ quan điểm xã hội hóa đầu tư giao thông vận tải; kế hoạch triển khai một số tuyến đường sắt kết nối; giải pháp thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP; quan điểm về quy định tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tập trung; giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng cao tốc đi vào khai thác sớm hư hỏng, sửa chữa; thời gian cụ thể giải quyết dứt điểm những vướng mắc về trạm thu phí dự án BOT… 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến tình hình sạt lở, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ, Việt Nam là một trong sáu quốc gia bị ảnh hưởng rất lớn. Giải pháp của Bộ Tài nguyên Môi trường trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường khả năng cảnh báo về thiên tai.
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Đề án khả năng dự báo và cảnh báo cho các địa phương; phối hợp với các địa phương thực hiện các bản đồ nền, tổng hợp những vùng sạt lở, nguy cơ sạt lở để quy hoạch, di dời dân cư, tránh ảnh hưởng đến dân cư và ảnh hưởng đến sự phát triển; đồng thời đề xuất dự án về công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở…

Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến tín chỉ carbon, Bộ Trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0, hiện Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt các nội dung này. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành thị trường carbon; Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo ban hành các nghị định liên quan đến quản lý và liên quan đến thực hiện phát thải ròng và nguyên tắc, nguyên lý công bằng đối với tiếp cận toàn cầu. 

Thực tế, thị trường carbon là công cụ hữu hiệu để giúp các quốc gia thực hiện mục tiêu, với vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành sẽ hoàn thiện thể chế và chuẩn bị năng lực chuyên môn, hạ tầng và các điều kiện thiết yếu; triển khai thí điểm, vận hành để thực hiện sớm nội dung về tín hiệu carbon…

Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời đại biểu về vấn đề thu hút các dự án PPP, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay, từ khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được ban hành thì việc thu hút các dự án chưa được nhiều, chưa hiệu quả. Thời gian gần đây, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Lý do các dự án PPP chưa thu hút doanh nghiệp thì về khách quan do tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn nên doanh nghiệp gặp khó. Mặt khác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Liên quan đến hiệu quả của dự án, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe, các dự án lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có những bất lợi cho nhà đầu tư. Cùng với đó, phần vốn nhà nước hỗ trợ tối đa 50%, trong khi chi phí cho giải phóng mặt bằng nên vốn thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều. Ngoài ra còn một số vấn đề về cơ chế nên hiện chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. 

Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vấn đề quan ngại lớn là giải phóng mặt bằng. Các dự án PPP thường tách giải phóng mặt bằng làm trước và doanh nghiệp chủ yếu triển khai dự án. Nhận diện được các khó khăn này, Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu Chính phủ để trình điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút nhà đầu tư. Với tinh thần đó, ngay tại kì họp này, Chính phủ trình Quốc hội có những tháo gỡ cho các dự án đầu tư giao thông đường bộ như nâng tỉ lệ vốn Nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư.

Trả lời đại biểu về tiêu chuẩn đường cao tốc, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, đối với tiêu chuẩn của Việt Nam hiện đang phù hợp; đối với quy chuẩn hiện cũng đang xây dựng. Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy chuẩn đường cao tốc của Việt Nam, dự kiến sẽ hoàn thành quy chuẩn này trong quý 1/2024…

Trả lời chất vấn đại biểu về trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải nhận trách nhiệm của Bộ Trưởng trong việc chậm triển khai thực hiện các trạm dừng nghỉ.

Bộ Trưởng cho biết, thời gian qua, việc triển khai các tuyến cao tốc thực hiện theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”. Trong khi đó, nếu khai thác tốt sẽ mang lại hiệu quả của các trạm dừng nghỉ. Bộ Giao thông đã chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chọn các nhà đầu tư trong thực hiện xã hội hóa. Trước đây, chưa có quy định cụ thể về quy mô của các trạm dừng nghỉ, do vậy Bộ đã quyết liệt trong xây dựng hành lang pháp lý, quy hoạch và triển khai đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư.

Về ý kiến đại biểu liên quan đến chất lượng các tuyến cao tốc, Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định có tình trạng mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng, nhưng chỉ xảy ra ở một, hai vị trí, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Bộ Giao thông luôn đặt chất lượng lên hàng đầu và theo chuẩn quốc tế. Bộ đã phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, trong đó có khó khăn về tài chính. Vấn đề thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cần được giải quyết nhanh nhất. Bộ Trưởng chịu trách nhiệm cao nhất trước Quốc hội và Chính phủ về chất lượng các công trình giao thông…

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về phân cấp, phân quyền đấu nối các công trình thiết yếu trên các tuyến quốc lộ, Bộ Trưởng thông tin, năm 2021 Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 117 về phân cấp, phân quyền liên quan đến quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó Chính phủ đồng ý giao UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt các điểm đấu nối vào Quốc lộ. Trước khi quyết định, địa phương phải có quy hoạch, trong quy hoạch tỉnh phải có quy hoạch đấu nối. Địa phương cũng phải có trao đổi với Bộ Giao thông vận tải về yêu cầu, tiêu chí kỹ thuật đảm bảo an toàn cho việc đấu nối trước khi quyết định. Các địa phương trong triển khai có gì vướng mắc thì cần liên hệ, làm việc với Bộ Giao thông vận tải…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, về chính sách giao khoán rừng, để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ khoán rừng, cân đối giữa nhu cầu thực tế với ngân sách. Chúng ta đang áp dụng với định mức từ 300 đến 400 nghìn đồng. Qua nhiều kỳ họp, các địa phương cũng đã phản ánh, mức định mức này còn thấp.

Hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiến hành sửa đổi Luật Lâm nghiệp, dự thảo một Nghị định để nâng mức lên thành từ 400 đến 600 nghìn đồng. Bộ cũng chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát huy giá trị đa dụng về sinh thái rừng, để tạo ra nhiều việc làm, sinh kế dưới tán rừng, chứ không chỉ thuê bảo vệ rừng.

Về vấn đề di dân với khu vực phòng chống thiên tai, tiến độ thực hiện công việc của Bộ đang chậm, vì công việc này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa trung ương với địa phương. Khi các địa phương bố trí các dự án tái định cư và được phê duyệt, vì nhiều lý do, không còn quỹ đất, nên phải điều chuyển, di dời, đây là một vấn đề lớn. Cùng với đó, các dự án bố trí tái định cư thường kèm theo điều kiện về đất sản xuất của người dân, việc bố trí đất sản xuất này tương đối khó khăn, kéo lùi tiến độ bố trí dân cư. 

Bộ Trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, có trường hợp, các dự án đã bố trí tái định cư cho dân cư rồi, nhưng vẫn không phát huy được hiệu quả, bà con đến ở một thời gian, nhưng do thiếu sinh kế, không phù hợp tập quán, bà con vẫn bỏ ra ngoài. Bộ đang đánh giá lại, thảo luận với các địa phương, trình với Chính phủ để các khu tái định cư không chỉ đạt hiệu quả về tái định cư, mà còn hình thành được cộng đồng phát triển bền vững.

Giải trình vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến thực hiện chương trình nước sạch nông thôn, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ đã tổ chức đoàn khảo sát ở địa phương, qua đó sẽ nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí về nông thôn mới, để đảm bảo sự linh hoạt, theo hướng giao độ mở, độ linh hoạt cho các cấp chính quyền địa phương trong việc xây dựng và thẩm định bộ tiêu chí nông thôn mới.

Về vấn đề liên quan đến tiêu chí chuyển tiếp trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi các xã xây dựng nông thôn mới, có nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Khi đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới thì rút lại chính sách hỗ trợ. Việc cào bằng khi đạt chuẩn nông thôn mới tạo tâm lý đối nghịch: các địa phương mong muốn có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới để hoàn thành chỉ tiêu, nhưng cũng nhiều xã không dám đạt chuẩn nông thôn mới. 

Bộ sẽ nghiêm túc xem xét vấn đề này, để bàn với Ban Chỉ đạo, tạo điều kiện để những xã khó khăn sau khi đạt được tiêu chí nông thôn mới thì vẫn phải có những chính sách cần thiết, có thể nằm ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia, để vẫn tạo điều kiện phát triển mà không tạo ra tâm lý ỷ lại cho địa phương, tăng cường năng lực của cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều mô hình khác để cộng đồng có thể vượt qua khó khăn, phát triển bền vững.

Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn đại biểu về vẫn đề năng lượng tái tạo, Bộ Trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo ở mức cao (tổng nguồn năng lượng tái tạo không kể thủy điện chiếm 28,5% cơ cấu so với tổng nguồn), như vậy ngoài nỗ lực của Việt Nam, rất cần sự hỗ trợ của quốc tế.

Bộ Trưởng Bộ Công thương cho biết, với cơ cấu năng lượng tái tạo ở Việt Nam cao hơn nhiều nước phát triển, có trình độ công nghệ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực lưới điện thông minh và lưu trữ điện (ở mức 20%). 

Để thực hiện được Quy hoạch điện VIII cần đầu tư hệ thống lưới điện thông minh, đầu tư phát triển hệ thống lưu trữ điện; đồng thời thúc đẩy thị trường điện ở cả ba cấp độ: phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Biểu giá bán lẻ cũng cần nghiên cứu hiệu quả hơn, trong đó nhiệt điện và thủy điện có biểu giá cao để có thể bù đắp cho điện năng lượng tái tạo khi thực hiện hệ thống điện tự sản, tự tiêu hoặc huy động nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời, huy động đầu tư; xây dựng và ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp; thúc đẩy phát triển các loại thị trường điện.

Hiện Bộ Công thương đã và đang trình Chính phủ ban hành nghị định phát triển mặt trời áp mái, nếu Chính phủ cho phép chủ trương xây dựng nghị định theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp sẽ xây dựng theo quy trình. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp…

Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn về vấn đề chỉnh trang xây dựng đô thị. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn đề vấn đề chỉnh trang xây dựng đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc, hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như mong muốn của đại biểu. Chương trình của Chính phủ cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết…

Với các nhiệm vụ này, Chính phủ tiếp tục đề ra 33 giải pháp cụ thể, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, liên kết ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp để có thể thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch trong nội dung này…

Lan Anh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.