Multimedia Đọc Báo in

Những "cánh tay nối dài" của cấp ủy

08:18, 05/12/2023

Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nhiều đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) đã phát huy vai trò tiên phong trong các phong trào tại địa phương, trở thành "cầu nối" vững chắc giữa Đảng với nhân dân, là tấm gương sáng để người dân noi theo.

Bao năm nay, người dân buôn Drai Điết đều quen với hình ảnh Bí thư Chi bộ, già làng Adrơng Y Puih cần mẫn, nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tích cực thi đua lao động sản xuất.

Ông Y Puih không chỉ gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào mà còn là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Bằng uy tín, kinh nghiệm bản thân, những năm qua, ông đã trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hàng loạt hủ tục trong việc cưới hỏi và tang ma, xây dựng nếp sống văn hóa; nâng cao cảnh giác, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động… Nhiều tâm tư, nguyện vọng, cũng như vướng mắc của bà con cũng được ông phản ánh, truyền đạt kịp thời đến cấp ủy, chính quyền cấp trên.

Ông A Drơng Y Puih, Bí thư chi bộ, già làng buôn Drai Điết (bên trái) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với người dân.

Buôn Drai Điết có 178 hộ, với 901 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Êđê. Để thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Y Puih cùng các thành viên cấp ủy chi bộ đã bàn bạc, thống nhất ban hành nghị quyết chuyên đề riêng; đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể của buôn lên kế hoạch tổ chức thực hiện.

 

Xã Dliê Yang có 2.409 hộ, 11.092 nhân khẩu, với 11 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 50%. Năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 91 hộ, chiếm 4,1% dân số (giảm 50 hộ nghèo so với năm 2020); thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm.

Ông Y Puih chia sẻ: Khi mới phát động phong trào làm đường nông thôn, không ít người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nên chưa đồng thuận. Trước thực tế đó, chi bộ cùng ban công tác mặt trận, các hội, đoàn thể của buôn tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được quyền, lợi ích chính đáng của mình. Mặt khác, mỗi cán bộ, đảng viên đều phát huy tính tiên phong, gương mẫu đóng góp ngày công, tiền của làm đường để người dân noi theo. Nhờ đó, những năm qua, người dân buôn Drai Điết đã tự nguyện hiến hơn 2.000 m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động để mở rộng, bê tông hóa toàn bộ 3 km đường nội buôn.

Trước đây, cũng như bao hộ dân khác trên địa bàn, cuộc sống của gia đình ông Chu Triều Cao (dân tộc Tày, ở thôn Tri C1) rất khó khăn, kinh tế trông chờ vào 2 ha cà phê nhưng hiệu quả không cao. Năm 2014, sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức, ông đã mạnh dạn mua thêm giống cây sầu riêng, bơ, tiêu, mắc ca về trồng xen trong rẫy cà phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất cây trồng dần được cải thiện. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm gia đình có dư khoảng 500 triệu đồng từ vườn cây để gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Rút kinh nghiệm từ bản thân, ông Cao tuyên truyền vận động đảng viên, nhân dân trong thôn thay đổi nếp nghĩ cách làm, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Học theo mô hình sản xuất của ông Cao, đến nay, hầu hết các hộ trong thôn đều áp dụng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế cao nhằm tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất; mua các giống bò, dê về nuôi quy mô gia trại…

Ông Chu Triều Cao, đảng viên Chi bộ thôn Tri C3, xã Dliê Yang (bìa phải) giới thiệu mô hình xen canh phát triển kinh tế.

Ông Ksơr Y Thông, Bí thư Đảng ủy xã Dliê Yang cho biết, Đảng bộ xã có 24 chi bộ trực thuộc với 314 đảng viên, trong đó có 148 đảng viên người DTTS. Những năm qua, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đảng viên trên địa bàn xã nói chung, đảng viên người DTTS nói riêng luôn thể hiện vai trò “đầu tàu”, gương mẫu trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương. Đồng thời họ luôn là “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với nhân dân, bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng... Đội ngũ đảng viên người DTTS ở các chi bộ thôn, buôn đã phát huy tốt vai trò là hạt nhân, tích cực nêu gương và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.