Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp bất thường thứ 5, Quốc hội khóa XV: Cần luật hoá để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm của nhân viên các tổ chức tín dụng

19:44, 15/01/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 15/1 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Trình bày tóm tắt Báo cáo Tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (CTCTD) (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các TCTD (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD; tăng khả năng chống chịu của hệ thống TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6). 

Góp ý vào dự án Luật, đại biểu nêu rõ, sau hơn 12 năm thực hiện, Luật Các TCTD đã góp phần lành mạnh hóa các TCTD, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát các TCTD.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện, cơ cấu lại các TCTD trước yêu cầu mới, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với hoạt động của các TCTD và thực tiễn quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Về hạn chế thành viên của Hội đồng quản trị tại điểm b khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần cân nhắc thận trọng hơn quy định này vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia Hội đồng quản trị một TCTD không phải là công việc toàn thời gian nên những người này thường có công việc khác.

Đại biểu cho rằng, việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị. 

Đại biểu nhận thấy, mấu chốt vấn đề là cần kiểm soát các giao dịch, nhất là giao dịch cho vay của TCTD với doanh nghiệp khác mà thành viên Hội đồng quản trị kiêm nhiệm quản lý, điều hành. Do đó, biện pháp phù hợp hơn mà quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp mà thành viên Hội đồng quản trị có lợi ích liên quan. 

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định tại Điều 63 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này.

Đại biểu đề nghị, nên giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan tới cổ đông sở hữu cổ phần, không áp dụng hồi tố trong các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.

Liên quan đến các quy định về giới hạn cấp tín dụng nhằm hạn chế thống nhất tình trạng sở hữu chéo, đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng của TCTD theo quy định tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật các TCTD (sửa đổi) thì tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô có xu hướng giảm dần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng từng giai đoạn. 

Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Quang cảnh phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo có thể cân nhắc thêm phương án phân loại các TCTD theo tổng số vốn tự có với mỗi nhóm tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng sẽ khác nhau. Bởi lẽ, quy mô vốn của các TCTD hiện nay liên tục gia tăng và có sự phân hóa giữa các ngân hàng thương mại. Do đó, không nên cào bằng, áp dụng tỷ lệ chung cho tất cả các ngân hàng thương mại.

Về bảo mật thông tin, đại biểu cho biết, dù Luật Sở hữu trí tuệ đã đưa ra khái niệm về bí mật kinh doanh, nhưng chỉ là khái niệm chung cho tất cả các hoạt động kinh doanh. Thực tế, nhiều nhân viên, người quản lý, người điều hành chưa hiểu biết đầy đủ về bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng. Để hạn chế thấp nhất rủi ro cho các đối tượng trên, đại biểu đề nghị bổ sung trong quy định tại khoản 1 Điều 13 dự thảo luật quy định: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể bí mật kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.

Góp ý về trách nhiệm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đại biểu cho rằng, mặc dù đã có các quy định liên quan trong Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và các văn bản pháp luật khác, tuy nhiên để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của khách hàng cần nghiên cứu luật hóa để ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhân viên các TCTD, ngân hàng như việc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng như các phương tiện thông tin đã phản ánh thời gian qua. 

Về tỷ lệ sở hữu cổ phần giảm xuống, đại biểu cho rằng, việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét các thủ tục, làm rõ cơ cấu sở hữu cổ phần, đặc biệt là những trường hợp cố ý làm trái quy định…

Theo đại biểu, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15 – 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó…

Tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến thảo luận về các nội dung: quy định ngân hàng thương mại làm đại lý bảo hiểm nhân thọ; quy định về can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; một số vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; niêm yết công khai báo cáo tài chính; quy định xử lý các TCTD yếu kém; quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm…

Lan Anh (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.