Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

08:15, 28/02/2024

4. Cử tri xã Dliê Ya, huyện Krông Năng đề nghị xem xét việc sáp nhập thôn, buôn theo số dân như hiện nay tại địa phương thấy còn bất cập, chưa phù hợp. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt, các hộ dân sinh sống ở trên nương rẫy cả héc-ta đất, diện tích thôn, buôn rộng nên trưởng thôn quản lý không được, dẫn đến an ninh trật tự không đảm bảo.

UBND huyện Krông Năng trả lời: Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong đó về mục tiêu cụ thể đến năm 2030 “cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thôn, buôn, tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định”, UBND huyện đã triển khai việc sắp xếp, sáp nhập các thôn, buôn dưới 200 hộ gia đình và tổ dân phố dưới 250 hộ gia đình trên địa bàn huyện. Đây là việc làm cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao hiệu quả quản lý và giảm gánh nặng ngân sách theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII, đồng thời gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tự quản ở cơ sở trên địa bàn huyện, góp phần tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển KT-XH ở địa phương; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở; quy hoạch, sắp xếp lại hợp lý hơn hệ thống thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn đi đôi với yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh từ cơ sở.

Toàn cảnh thôn Ea Bi, xã Dliê Ya (huyện Krông Năng). Ảnh: Hoàng Gia

Đối với xã Dliê Ya, hiện nay có tổng số 23 thôn, buôn, trong đó có 14 thôn và 9 buôn. Theo kết quả thống kê đến cuối năm 2023 thì xã Dilê Ya có 16 thôn, buôn chưa đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định (có dưới 200 hộ dân) nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2023 – 2030 và phương án sắp xếp, sáp nhập thôn, buôn chưa đảm bảo tiêu chuẩn của xã Dliê Ya đã được UBND tỉnh tổng hợp, phê duyệt chung trong Đề án của tỉnh. Theo đó, việc sắp xếp, sáp nhập được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 2023 – 2026 sáp nhập 6 thôn, buôn và giai đoạn 2026 – 2030 sáp nhập 10 thôn, buôn; sau khi sáp nhập đến năm 2030 số còn lại dự kiến là 12 thôn, buôn.

Đối với một số khó khăn, vướng mắc như cử tri đã nêu, hiện nay Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết; riêng đối với những thôn, buôn có các yếu tố đặc thù như có trên 350 hộ gia đình hoặc thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự (trong đó có các thôn, buôn thuộc xã Dliê Ya), cụ thể như sau:

- Tăng phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ thôn, buôn, theo đó phụ cấp cơ bản của trưởng thôn, buôn bằng 2,05 lần mức lương cơ bản (khoảng 3,7 triệu đồng), trường hợp kiêm nhiệm thêm chức danh khác như bí thư chi bộ hoặc phó bí thư chi bộ thì được hưởng thêm 100% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm.

- Có thể bố trí thêm 1 phó trưởng thôn, buôn với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 0,7 lần mức lương cơ bản (khoảng 1,26 triệu đồng).

- Bên cạnh đó, trưởng ban công tác Mặt trận và trưởng các chi hội, đoàn thể ở thôn, buôn đều được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng theo quy định.

Với những chế độ, chính sách nêu trên sẽ là động lực rất lớn để trưởng thôn và các chức danh cán bộ thôn, buôn trên địa bàn yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong trường hợp địa bàn rộng, nếu có nhu cầu cử tri và nhân dân có thể đề nghị bố trí thêm một phó trưởng thôn, buôn để kịp thời tham gia giải quyết công việc của thôn, buôn. Trong quá trình thực hiện, UBND huyện đề nghị cử tri và nhân dân cùng đồng lòng và ủng hộ chính quyền thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

5. Cử tri xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm đầu tư sửa chữa bờ đập Sơn Thọ, hiện hai bên đập đã bị hư hỏng, không giữ được nước phục vụ cho sản xuất lúa (hơn 25 ha cánh đồng Tu Rang B) và khoảng hơn 120 ha cà phê, các cây trồng khác.

UBND huyện Krông Ana trả lời: Ngày 27/12/2023, UBND huyện ban hành Quyết định số 4539/QĐ-UBND về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó nguồn ngân sách huyện năm 2024 đã được phân bổ hết ngay từ đầu năm cho các nhiệm vụ chi được lập dự toán chi ngân sách theo quy định và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 nên không còn kinh phí để bổ trí sửa chữa các công trình trên địa bàn huyện theo đề nghị của cử tri xã Dur Kmăl. Tuy nhiên, đối với các công trình thực sự cấp bách, cần thiết, đề nghị UBND xã có báo cáo cụ thể để UBND huyện giao các phòng, ban có liên quan tổ chức kiểm tra, xem xét bố trí từ nguồn vốn dự phòng ngân sách huyện hoặc có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính hỗ trợ kinh phí sửa chữa các công trình.

6. Cử tri xã Cư Ni và thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã đạt nông thôn mới (NTM) đã được công nhận nhưng nay hạ tầng xuống cấp, hư hỏng.

UBND huyện Ea Kar trả lời: Hiện nay UBND huyện đã có kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở cho các xã đạt NTM được công nhận và được HĐND huyện thông qua tại Nghị quyết số 24/NQ-HĐND, ngày 1/12/2021 của HĐND huyện Ea Kar về việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021 từ nguồn vốn ngân sách địa phương. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn về nguồn vốn nên chưa triển khai thực hiện. Dự kiến sau khi bố trí được nguồn vốn sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng nội dung nghị quyết đã được thông qua.

Lan Anh (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc