Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

10:34, 23/02/2024

7. Cử tri đề nghị quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với UBND tỉnh, huyện, xã về quản lý, sử dụng và bảo vệ mã số vùng trồng sầu riêng đúng theo thông lệ quốc tế và quy định của Việt Nam. Hiện nay, ở xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) có mã số vùng trồng năm 2022, 2023 nhưng xảy ra tình trạng mua bán, giả mạo mã vùng trồng, các giấy tờ liên quan gây xáo trộn và nguy cơ bị đối tác Trung Quốc hủy mã vùng trồng. Cử tri cũng đề nghị quy hoạch cụ thể đất trồng từng loại cây, tăng cường quản lý nhà nước tránh trồng tràn lan, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá nông sản thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trả lời:

*Về quản lý và cấp mã số vùng trồng: Ngày 23/3/2023, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 1776/BNN-BVTV về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Theo đó, việc cấp và quản lý giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được giao cho các địa phương chủ động triển khai thực hiện.

Nông dân huyện Krông Pắc chọn lọc, sơ loại sầu riêng sau thu hoạch.

Ngày 24/8/2023, tại Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo:

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tiếp tục đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu và được các nước nhập khẩu phê duyệt thêm các mã số mới cho hàng nông sản Việt Nam; tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn, giám sát việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương; cương quyết thu hồi, xử lý nghiêm các mã số xuất khẩu vi phạm quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Phối hợp với các địa phương tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ về các quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng.

Các địa phương bố trí đủ nguồn lực; xây dựng cơ chế và triển khai thực hiện giám sát thường xuyên đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được phê duyệt mã số; tăng cường thanh tra, kiểm tra sau cấp mã số, phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ các yêu cầu của nước nhập khẩu và tái phạm nhiều lần; nâng cao chất lượng kiểm tra ban đầu đối với các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; rà soát các vùng trồng đã cấp mã số, không cấp mã số cho các vùng trồng nằm trong diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ…; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng – cơ sở đóng gói – cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật – doanh nghiệp xuất khẩu.

Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói phối hợp với cơ quan quản lý của địa phương thực hiện kiểm soát, giám sát theo quy định; tổ chức tập huấn cho người sản xuất nắm được các quy định của nước nhập khẩu về vùng trồng, cơ sở đóng gói; chịu trách nhiệm đối với các biện pháp kỹ thuật áp dụng tại vùng trồng và nhà đóng gói và bảo đảm việc tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp, làm việc với Bộ Tư pháp về việc xây dựng, hoàn thiện quy định pháp luật về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời đáp ứng quy định của các nước nhập khẩu nông sản Việt Nam.

*Về quy hoạch cây trồng: Theo quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, không còn quy hoạch cho các cây trồng cụ thể. Để định hướng phát triển cây ăn quả nói chung và cây sầu riêng nói riêng, ngày 27/10/2022 Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.

Đối với cây sầu riêng định hướng phát triển khoảng 65 - 75 nghìn ha, sản lượng 830 - 950 nghìn tấn. Các tỉnh trọng điểm sản xuất sầu riêng: Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre), Đông Nam Bộ (Đồng Nai, Bình Phước), Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông).

Nhằm phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực, trong đó có cây sầu riêng, tránh tình trạng trồng tràn lan dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, giá nông sản thấp, ảnh hưởng đến thu nhập người dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã giao Sở NN-PTNT các tỉnh bám sát định hướng phát triển các loại cây ăn quả của Đề án để tham mưu định hướng phát triển cây ăn quả trong quy hoạch tỉnh.

8. Cử tri phản ánh hiện nay trên thị trường rất nhiều loại thuốc nhúng trái cây chín đồng loạt đang được sử dụng, nhưng chưa được cấp phép sử dụng và hướng dẫn cụ thể nên người dân rất hoang mang khi sử dụng loại thuốc này. Đề nghị Bộ NN-PTNT có văn bản quy định cụ thể loại thuốc nào được dùng và loại nào không được dùng để địa phương tuyên truyền cho nhân dân được biết.

Bộ NN-PTNT trả lời: Hiện nay, trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT, ngày 24/10/2023 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chưa có thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả. Nhằm mục đích để hướng dẫn việc sử dụng các loại thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả đúng quy định, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV có văn bản hướng dẫn cũng như tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các thuốc này vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân đăng ký các loại thuốc BVTV bảo quản nông sản sau thu hoạch dùng cho cây ăn quả để đưa vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.