Multimedia Đọc Báo in

Hoàn thiện thể chế quản lý, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

07:15, 22/03/2024

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) bao gồm ba chương trình thành phần: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN); Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Các cơ quan ở Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản quy định, hướng dẫn việc quản lý, thực hiện các chương trình MTQG.

Trên cơ sở đó,  tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 13 văn bản quy phạm pháp luật (8 nghị quyết, 5 quyết định) quy định cụ thể các nội dung nhằm hoàn thiện khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình ở địa phương.

Tuy nhiên, hệ thống thể chế quản lý, thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 ở cả Trung ương và ở tỉnh vẫn tồn tại nhiều bất cập, chồng chéo; tính ổn định chưa cao.

Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các văn bản do Chính phủ, bộ trưởng các bộ đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế như: Nghị định số 27/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 38/2023/NĐ-CP; Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 03/2023/TT-UBDT; Thông tư số 15/2022/TT-BTC, Thông tư số 46/2022/TT-BTC… đều đã được thay thế bằng thông tư mới.

Bên cạnh đó, một số nội dung tại các văn bản Trung ương chưa rõ ràng gây khó khăn, lúng túng cho địa phương trong triển khai, thực hiện.

Ngoài ra, mỗi địa phương có đặc điểm tình hình tự nhiên, kinh tế - xã hội khác nhau, nhưng hiện chưa có văn bản quy định về cơ chế đặc thù, gây vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra mô hình vay vốn phát triển sản xuất tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Thúy Hồng

Đối với tỉnh Đắk Lắk, tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật tổ chức thực hiện chương trình MTQG ở tỉnh còn chậm: Chương trình triển khai cho giai đoạn 2021 – 2025, tuy nhiên đến năm 2022, 2023 tỉnh mới ban hành văn bản triển khai, ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư. Một số văn bản của tỉnh quy định chưa đầy đủ, chưa thống nhất với văn bản Trung ương, gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện. Đơn cử như:

 Điểm a Khoản 3 Điều 3; Khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 chỉ quy định mức hỗ trợ đối với địa bàn khó khăn và địa bàn đặc biệt khó khăn; không quy định hỗ trợ đối với địa bàn khác là chưa đảm bảo tính phù hợp, thống nhất với quy định tại Khoản 5 Điều 21, Khoản 5 Điều 22 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP. Việc không quy định “địa bàn khác” của nghị quyết đã hạn chế đối tượng hỗ trợ trong triển khai thực hiện chương trình MTQG, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai ở địa phương. Bên cạnh đó, chưa có sự thống nhất trong quy định địa bàn hỗ trợ giữa Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND và Quyết định số 14/2023/QĐ-UBND, ngày 30/3/2023 ban hành Quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (ngoài địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn; điểm c Khoản 1 Điều 3 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định còn có quy định liên quan đến thực hiện dự án ở “địa bàn còn lại”).

Cán bộ xã Đắk Liêng (huyện Lắk) hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho một hộ nghèo vừa được hỗ trợ bò giống. Ảnh: Thúy Hồng

Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND, ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tỉnh Đắk Lắk từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chỉ quy định hỗ trợ nhà đối với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang thường trú trên địa bàn các huyện M’Drắk, Ea Súp (không quy định hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo tạm trú trên địa bàn các huyện này) là chưa đầy đủ, chưa thống nhất với quy định tại điểm a Khoản 2 Thông tư số 01/2022/TT-BXD ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn một số nội dung được giao quy định chi tiết, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa ban hành văn bản để điều chỉnh, nên không có cơ sở để triển khai thực hiện một số dự án thuộc chương trình MTQG ở địa phương như: nội dung về mẫu hồ sơ, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 10/2022/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Để việc triển khai, thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 đạt yêu cầu đề ra, cần nỗ lực hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan đến việc quản lý, thực hiện chương trình. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao chất lượng góp ý, thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy định về quản lý, thực hiện chương trình MTQG nhằm kịp thời phát hiện các quy định bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp. Khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản đối với các nội dung được giao quy định chi tiết, kịp thời tạo căn cứ pháp lý triển khai, thực hiện các nội dung, dự án thuộc chương trình.

Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc