Khắc ghi lời dạy của Người
Dù đã từng may mắn được gặp hay chưa từng gặp, thì trong trái tim của mỗi người, hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại luôn mãi sáng ngời.
Cuộc gặp Bác ngắn ngủi nhưng ký ức theo suốt cuộc đời
Căn nhà của Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470, nay là Công ty Xây dựng 470) lưu giữ nhiều hình ảnh và tư liệu quý trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Nơi gian phòng khách, ông trang trọng đặt chiếc tủ kính, trong đó có nhiều hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhắc đến lãnh tụ đáng kính của dân tộc, người cựu chiến binh đã 89 tuổi rưng rưng: "Một trong những may mắn, tự hào nhất của cuộc đời tôi là được gặp Bác Hồ".
Đó là năm 1960, chàng trai trẻ Lê Xuân Bá đang là học viên năm thứ hai của Trường Sĩ quan Công binh. Ông may mắn được tuyển chọn vào đội hình duyệt binh để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1960).
Đội hình của khối duyệt binh là những cán bộ, chiến sĩ được lựa chọn khắt khe từ chiều cao, sức khỏe, bước chân phải đều tắp. Để đạt được yêu cầu đó, cán bộ, chiến sĩ đã ròng rã luyện tập nhiều tháng liền. Dù vậy, ai nấy đều rất tự hào và càng hạnh phúc hơn khi ngày tổng duyệt được Bác Hồ đến thăm hỏi, chuyện trò.
Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá dành phần trang trọng trong ngôi nhà để đặt ảnh Bác Hồ. |
Ông Bá bồi hồi: “Mong ước được gặp Bác đã lâu, nên khi thấy Bác từ xa, mọi người vỗ tay không ngớt. Như hiểu thấu tình cảm bộ đội, Bác thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ tham gia duyệt binh có vất vả không, rồi chúc sức khỏe, động viên mọi người cố gắng luyện tập để đi thật đẹp, thật đều trong lễ kỷ niệm”…
Cuộc gặp ngắn ngủi, nhưng lời căn dặn của Bác đã thực sự trở thành động lực, niềm phấn khởi, tự hào để cán bộ, chiến sĩ thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình trong ngày lễ trọng đại.
Câu chuyện gặp Bác năm ấy được ông Lê Xuân Bá nhiều lần kể lại cho người thân, đồng đội nghe. Học và noi gương Bác, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi trọng trách được giao. Dù trong thời chiến hay thời bình, “người lính Cụ Hồ” Lê Xuân Bá đều nêu cao bản lĩnh, tinh thần, trách nhiệm. Ông cùng Sư đoàn 470 từng ghi dấu ấn trên nhiều công trình trọng điểm của đất nước như: Thủy điện Dray H’linh, đường dây 500 KV Bắc - Nam, Thủy điện Buôn Kuốp…
Tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Với Thiếu tá Nguyễn Phụng (77 tuổi, nguyên Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, Sư đoàn 470), dù không được trực tiếp gặp Bác Hồ, nhưng những lời dạy của Người luôn được ông khắc ghi và học tập.
Ông Nguyễn Phụng sinh ra ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ngay từ khi còn là học sinh, Nguyễn Phụng đã nhiều lần tham gia tiếp tế lương thực, tải đạn, tải thương binh, phục vụ cho kháng chiến. Năm 1966, khi đang là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Giao thông vận tải, ông sẵn sàng xếp bút nghiên để lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ, năm 1968, ông về học Đại học Kỹ thuật quân sự. Luôn chăm chỉ học tập, rèn luyện, phấn đấu không mệt mỏi, nên vào tháng 4/1973, khi đang là sinh viên, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Ra trường, ông về công tác tại Đoàn 559, cho đến khi nghỉ hưu ông tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, nay là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Lập và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 8. Dù ở vương vị nào, được giao nhiệm vụ gì, ông cũng giữ vững phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động.
Cựu chiến binh Nguyễn Phụng dành nhiều thời gian để đọc, sưu tầm các câu chuyện về Bác Hồ. |
Suốt 19 năm là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 8, ông không nhận tiền văn phòng phẩm của chi hội, dù hằng năm vẫn cần phải mua giấy bút, trang thiết bị cần thiết. Ông triển khai sinh hoạt chi hội, phân hội đầy đủ, chăm lo việc phát triển hội viên; thường xuyên quan tâm, thăm hỏi khi hội viên ốm đau, gặp khó. Chi hội trưởng Nguyễn Phụng đã thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả câu lạc bộ bóng bàn; thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nói chuyện thời sự cho bà con, nhất là cựu chiến binh trên địa bàn.
12 năm là Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 8, ông luôn là hạt nhân tiêu biểu trong gắn kết, xây dựng khối đại đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Dù chỉ có lương hưu, không có thêm khoản thu nhập nào, nhưng từ năm 2019 đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Phụng đã ủng hộ địa phương gần 30 triệu đồng để cùng tập thể thực hiện các mặt nhiệm vụ.
Là cán bộ đa năng, nên không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, ông Nguyễn Phụng còn sôi nổi tham gia phong trào văn hóa văn nghệ. Hai lần được Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tân Lập giao làm đội trưởng văn nghệ, ông đã dẫn dắt cả đội giành hai giải Nhì tại các cuộc thi tiếng hát cựu chiến binh thành phố.
Ông tâm tình: “Tôi đọc Di chúc của Bác rất nhiều lần và thuộc lòng bản Di chúc. Tôi cũng sưu tầm, tìm kiếm rất nhiều câu chuyện về Bác để hiểu hơn về nhân cách vĩ đại của Người, để học tập Người và luôn khắc ghi lời Người chỉ dạy. Đã 55 năm kể từ khi Bác rời xa chúng ta, nhưng nhiều lời chỉ dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, mãi soi đường cho chúng ta trên con đường phát triển tươi sáng, giàu đẹp”.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc