Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng hòa bình, thống nhất non sông

09:21, 29/07/2024

Trong suốt quá trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ, Việt Nam luôn kiên định lập trường cơ bản là hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

Nước Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của ba quốc gia trên bán đảo Đông Dương. Vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam tự giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài...

Tuy nhiên, theo Hiệp định đã ký kết, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Các bên tham gia hội nghị nhấn mạnh rằng “Dù bất cứ trường hợp nào, không thể coi đó là biên giới chính trị hay lãnh thổ”.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, trả lời Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đoán trước Mỹ sẽ tìm cách phá bỏ Hiệp định để chia cắt Việt Nam: “Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc. Đồng thời, chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế…”.

Ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ” và khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”. Sự chia cắt đất nước theo Hiệp định chỉ là tạm thời. Hai miền phải thống nhất trước tháng 7 năm 1956 bằng tổng tuyển cử “tự do và dân chủ”.

Những lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện khát vọng cao cả của đồng bào ta suốt từ Nam chí Bắc về hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đất nước. “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được” – đó là chân lý vĩnh hằng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý.

Thế nhưng, để bảo vệ chân lý đó, nhân dân ta đã phải trải qua hơn hai mươi năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh. Cam kết tổ chức tổng tuyển cử giữa các bên tham gia hội nghị Gieneve đã không thành hiện thực, bởi Mỹ, trên thực tế đã ủng hộ việc Việt Nam Cộng hòa từ chối tổ chức Tổng tuyển cử tự do thống nhất Việt Nam.

Sông Bến Hải – vĩ tuyến 17 trở thành biểu tượng của nỗi đau chia cắt đất nước nhưng khát vọng hòa bình, thống nhất non sông thì không một thế lực đen tối nào có thể chia cắt nổi. “Ta đi tới, không thể gì chia cắt/ Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau/ Trời ta chỉ một trên đầu/ Bắc Nam liền một biển/ Lòng ta không giới tuyến/ Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/ Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”. Nhà thơ Tố Hữu đã nói lên ý chí và quyết tâm của hai mươi lăm triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước lúc bấy giờ bằng những câu thơ xúc động lòng người.

Và khát vọng hòa bình, thống nhất non sông đã trở thành hiện thực vào mùa Xuân Ất Mão 1975 lịch sử…

Nguyễn Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc