Multimedia Đọc Báo in

Nhân dân Đắk Lắk tiếc thương, tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:24, 22/07/2024

Nhận thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người lãnh đạo khiêm nhường, gần dân, liêm chính vừa qua đời, cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn.

Sáng ngời phẩm chất của người cộng sản

Từng giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Y Luyện Niê Kdăm khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện những phẩm chất tốt đẹp nhất của người cộng sản chân chính, sáng ngời về đạo đức cách mạng; là người có nhiều đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, dựng xây đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, khẳng định vị thế trên chính trường quốc tế.

Biết tin Tổng Bí thư từ trần, ông Y Luyện bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc: “Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tổn thất to lớn của Đảng và đất nước, để lại sự tiếc thương vô hạn trong lòng các tầng lớp nhân dân. Những quan điểm chỉ đạo, phong cách lãnh đạo, tác phong, đạo đức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ mãi là “kim chỉ nam”, tấm gương sáng để noi theo”.

Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) Nguyễn Hữu Quang kể về niềm vinh dự được gặp Tổng Bí thư khi Tổng Bí thư về thăm buôn Tơng Jú, xã Ea Kao năm 2011. Ảnh: Nguyễn Gia

Nhận được thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, đôi mắt ông Nguyễn Hữu Quang, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) đỏ hoe.

Ông Quang bùi ngùi: “Là một cán bộ, đảng viên ở cơ sở, tôi vinh dự được đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm năm 2011. Tôi luôn khắc sâu sự quan tâm, lời căn dặn của bác đối với việc chăm lo đời sống của người dân, xây dựng, phát triển địa phương. Sự ra đi của bác là tổn thất to lớn cho Đảng, dân tộc Việt Nam. Bản thân tôi luôn tự nhủ phải luôn tự tu dưỡng, rèn luyện, thấm nhuần đạo đức cách mạng của người cộng sản, xứng đáng là người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và làm gương cho thế hệ trẻ noi theo”.

Biến niềm thương tiếc thành hành động

Đối với ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tổn thất quá lớn đối với đất nước. Khâm phục, tự hào về người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Hà bày tỏ: “Trong lúc Đảng, đất nước gặp rất nhiều khó khăn, bác đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua nhiều thách thức và đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tôi mong rằng, từng cán bộ lãnh đạo phải phấn đấu, kế thừa những giá trị lịch sử của Đảng, những kinh nghiệm mà thế hệ đi trước để lại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phát động trong đảng viên, cán bộ, giáo viên, học sinh, biến niềm thương tiếc thành ý chí, sức mạnh, hành động, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”.

Vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018, ông Y Dhun Hmok, già làng buôn Dur 1, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) đã rơi nước mắt khi nghe tin bác Trọng qua đời.

Ông Y Dhun nghẹn ngào: “Tôi là người vinh dự được trao áo thổ cẩm và vòng kết nghĩa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm. Lúc ấy, bác đã căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân của xã rất nhiều việc, bao quát các lĩnh vực nhưng điều bác mong muốn nhất là chính quyền, nhân dân phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn; bà con luôn làng sẽ luôn khắc ghi, thực hiện lời dặn của bác. Đó cũng là cách thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với người lãnh đạo cao nhất của Đảng”.

Ông Y Dhun Hmok, già làng buôn Dur 1 (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana). Ảnh: Nguyễn Gia

Là Nghệ nhân Ưu tú, ông Y Bhiông Niê, buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột) luôn dõi theo những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tuyên truyền, vận động, nói cho bà con buôn làng mình hiểu và làm theo. Nghe tin bác mất, ông Y Bhiông Niê cũng như người dân trong buôn đã bày tỏ niềm thương tiếc vô hạn đối với một người lãnh đạo luôn mẫu mực, giản dị, liêm khiết, vì nước, vì dân. Ông chia sẻ: “Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, nhân dân càng luôn tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đối với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Tôi luôn tin tưởng đất nước sẽ có nhiều cán bộ ưu tú tiếp tục kế tục sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước của bác”.

Vinh dự, tự hào có hai lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vào năm 2011 tại buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) và năm 2017 tại thủ đô Hà Nội, khi nghe tin Tổng Bí thư mất, bà H’Yam Bkrông, Chủ tịch Hồi đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông nghẹn ngào: “Bác Trọng rất ân cần, gần gũi, quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi chỉ mong các thế hệ lãnh đạo sau này luôn gần dân, quan tâm, động viên, chăm lo đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Nguyễn Xuân – Lan Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.