Multimedia Đọc Báo in

Nhân dân Đắk Lắk tưởng vọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

08:53, 26/07/2024

Với tấm lòng thành kính, tri ân sâu sắc, sáng 25/7, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã cùng dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Xúc động, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của người đứng đầu Đảng ta, cán bộ, nhân dân trong tỉnh nguyện tiếp tục thực hiện những lời huấn thị của Tổng Bí thư, đoàn kết, chung sức xây dựng đất nước vững mạnh.

Từ sáng sớm, cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã có mặt tại trụ sở cùng hướng về màn hình dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm xúc động, nghẹn ngào. Trong không khí trang nghiêm, cán bộ, ĐVTN cùng dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn và bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư.

Ngay sau khi nhận được thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo tổ chức đoàn các cấp tuyên truyền cho ĐVTN trong tỉnh thay đổi hình nền đại diện trên các trang mạng xã hội, tăng cường thực hiện các công trình, phần việc, hoạt động tình nguyện nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Trong thời gian diễn ra quốc tang đồng chí Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo, hướng dẫn ĐVTN gửi lời chia buồn trên hệ thống VNID của Tỉnh Đoàn với nội dung “Tuổi trẻ Việt Nam khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đã là ĐVTN phải đi đầu xung kích”.

Cán bộ, đoàn viên thanh niên Tỉnh Đoàn thành kính tưởng niệm và dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Bí thư Tỉnh Đoàn H Giang Niê cho biết: Những ngày này, không chỉ tuổi trẻ tỉnh nhà mà trên cả nước đều tưởng nhớ, tiếc thương, đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Để đáp lại sự quan tâm của bác dành cho thế hệ trẻ, nhất là tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 - 2027, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu sâu sắc với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ tỉnh Đắk Lắk tiếp tục khắc ghi lời căn dặn, chỉ đạo của Tổng Bí thư, cùng nhau đoàn kết, tập hợp rộng rãi ĐVTN dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, phát huy vai trò xung kích, dũng cảm, sáng tạo, tiên phong, bản lĩnh, góp sức trẻ xây dựng quê hương, xứng đáng là đội hậu bị vững chắc, tin cậy của Đảng.

Tưởng nhớ công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tấm lòng thành kính phân ưu sâu sắc, trong hai ngày 25 và 26/7 diễn ra quốc tang, Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh cũng như các chư tôn, đức tăng ni, phật tử chùa Sắc tứ Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) cử hành nghi thức cầu siêu và lễ tưởng niệm  Tổng Bí thư.

Hoà thượng Thích Châu Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan chia sẻ: “Tăng, ni, tín đồ Phật giáo và bà con phật tử trên địa bàn tỉnh rất trân quý, kính trọng Tổng Bí thư đã lãnh đạo đất nước phát triển tốt đẹp, phồn vinh. Tổng Bí thư qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân cả nước. Vì vậy, chư tôn, tăng ni, phật tử của chùa và đạo tràng các chùa lân cận đã làm lễ dâng hương, lễ tưởng niệm và cầu siêu để bác được tiêu viên miền cực lạc. Nhà chùa cũng hướng dẫn các phật tử cầu nguyện tại nhà, bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ, biết ơn thế hệ cha anh, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Hoà thượng Thích Châu Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, Trụ trì chùa Sắc tứ Khải Đoan cùng các chư tôn, phật tử làm lễ cầu siêu và lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Là phật tử sinh hoạt tại chùa Sắc tứ Khải Đoan, sáng 25/7, ông Ngô Đức Biển (pháp danh Nhuận Đại) ở phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) đã đến tham gia lễ tưởng niệm, cầu siêu cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo ông Biển, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô vàn cho người dân Việt Nam. Cảm niệm ân đức của bác Trọng đối với đất nước, với người dân, chư tôn, phật tử nguyện cầu cho bác được về cõi an lạc, nhân dân, đất nước được an bình.

Không chỉ các cơ quan, đơn vị, tại các thôn, buôn, người dân cũng rất quan tâm, dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tường thuật trực tiếp trên kênh sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam. Tại nhà dài của Trưởng buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vào sáng 25/7, người già, người trẻ của buôn đã thành kính dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Ama Jenny, già làng, Trưởng buôn Akô Dhông bộc bạch: “Xem tường thuật trực tiếp Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm nhận được tình cảm của các cấp lãnh đạo, bạn bè quốc tế dành cho bác càng thêm tự hào, tiếc thương vị lãnh đạo tài ba, kiên trung, khiêm tốn, giản dị. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do bác Trọng khởi xướng, chỉ đạo thực hiện kiên quyết, không có vùng cấm nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nể phục của người dân. Bác ra đi để lại nỗi buồn đau, mất mát to lớn.

Bà con buôn Akô Dhông đều tưởng nhớ bác, người luôn dành trái tim quan tâm đến người dân cả nước, đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Bà con trong buôn luôn khắc ghi lời bác dặn, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, phát triển du lịch cộng đồng, làm giàu tại chính buôn làng mình, góp phần xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc”.

Người dân buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) dõi theo Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Để bày tỏ lòng thành kính, tri ân, tưởng vọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong hai ngày 25 và 26/7, các cơ quan, đơn vị, trường học, hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tiến hành treo cờ rủ, dõi theo Lễ viếng, Lễ truy điệu, Lễ an táng đồng chí Tổng Bí thư. Cùng với sự tưởng nhớ, niềm tiếc thương vô hạn, cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk quyết tâm biến đau thương thành hành động, khắc ghi, thực hiện lời dặn của người, đoàn kết, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng địa phương, đất nước vững mạnh, giàu đẹp.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.