Multimedia Đọc Báo in

Tiếp tục các giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

10:49, 11/07/2024

Tại kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu đã xem xét, đánh giá, nhận định tình hình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan; tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tháo gỡ trong thời gian tới…

* Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư VÕ NGỌC TUYÊN:

Tập trung phát triển ba trụ cột kinh tế

Ảnh: Vạn Tiếp

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,0-6,8%, nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng cuối năm là khá nặng nề. Để tốc độ tăng trưởng phát triển thì ba trụ cột kinh tế là nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp xây dựng; thương mại, dịch vụ phải phát triển đúng hướng và khai thác tiềm năng lợi thế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. 

Hiện nay chúng tôi đang tham mưu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nội bộ ngành nông nghiệp, cần thay thế những cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang những loại cây có giá trị kinh tế cao để nâng cao giá trị gia tăng trên cùng đơn vị diện tích. Thứ hai là trung chuyển tỷ lệ giữa trồng trọt và chăn nuôi, chuyển qua chăn nuôi trang trại quy mô lớn để không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đất đai như trồng trọt. 

Trong công nghiệp, xây dựng chúng tôi cố gắng hoàn tất cơ sở hạ tầng trong khu, cụm công nghiệp theo kế hoạch đã duyệt. Từ đó có cơ sở kêu gọi nhà máy, công ty vào đầu tư. 

Về xây dựng hạ tầng đô thị, hiện nay chúng tôi đang dự kiến trong kế hoạch giai đoạn trung hạn 2026 – 2030 cố gắng mỗi huyện có một khu đô thị hiện đại, tạo sức lan tỏa. Đối với thương mại dịch vụ phải xây dựng trung tâm thương mại, chợ, cơ sở buôn bán…

* Giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN HOÀI DƯƠNG:

Phát triển sản xuất phải gắn với thị trường

Ảnh: Vạn Tiếp

6 tháng đầu năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển ổn định. Giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy sản (giá so sánh 2010) ước đạt 7.313 tỷ đồng. Để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Sở sẽ đẩy mạnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; tập trung tuyên truyền vận động nhân dân, người sản xuất ý thức được vấn đề phát triển sản xuất luôn gắn với thị trường, sản phẩm tạo ra phải hướng đến tiêu thụ có giá trị gia tăng cao; đặc biệt, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển ổn định, bền vững. Do đó, người dân phải sản xuất tập trung, liên kết hợp tác để tạo ra vùng sản xuất tập trung, đồng nhất từ giống, quy trình sản xuất đến ứng dụng công nghệ kỹ thuật phù hợp. 

Thứ hai, phải đẩy mạnh kinh tế hợp tác, hỗ trợ hình thành nhiều hợp tác xã. Tốc độ phát triển hơp tác xã những năm gần đây khá cao. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, hiện nay mới khoảng 15-20% nông dân tham gia hợp tác xã. Dó đó phải quan tâm phát triển số lượng, chất lượng hoạt động của hợp tác xã. Đây là cơ sở gắn kết các hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông dân một cách thống nhất, hiệu quả, qua đó giảm giá thành đầu tư, thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm và thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Thứ ba, các ngành, các cấp cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Tạo được mặt bằng thuận lợi trong các khu cụm công nghiệp, các vùng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm năng. Đặc biệt phải tận dụng cơ hội khi đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa đi vào hoạt động sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đến Đắk Lắk trong thời gian tới.

Thứ tư, cần phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời mở rộng vấn đề xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ để sản phẩm nông nghiệp đi đến được nhiều quốc gia. Như vậy cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm sẽ ngày càng nâng cao. 

* Phó Giám đốc Sở GĐ-ĐT ĐỖ TƯỜNG HIỆP:

Nâng cao chất lượng giáo dục cần sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Ảnh: Vạn Tiếp

Năm học 2023 – 2024, ngành GD-ĐT tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực về giáo dục mũi nhọn, phổ cập giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều bất cập, khó khăn đòi hỏi ngành giáo dục phải có những đổi mới và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục những năm học tới cần duy trì và đẩy mạnh những mặt đã đạt được ví dụ như học sinh giỏi và các mặt giáo dục khác trong nhà trường. 

Bên cạnh đó, tăng cường cơ sở vật chất và các thiết bị dạy học, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp một cách hợp lý bảo đảm thuận lợi cho người dân, con em được đến trường, đặc biệt là các em học sinh vùng sâu vùng xa.

Đồng thời, cần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông năm 2028. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ của đội ngũ quản lý trong các nhà trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý GD-ĐT trong các nhà trường, cơ sở quản lý giáo dục bằng việc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình để duy trì và nâng cao chất lượng trong nhà trường.

Cuối cùng cần nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh và toàn xã hội hiểu được rằng công cuộc đổi mới GD-ĐT rất khó khăn và đầy thách thức. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, rất cần sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phối hợp của các tổ chức đoàn thể, toàn xã hội.

* Bí thư Huyện ủy Krông Pắc TRẦN HỒNG TIẾN:

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng để phát triển sầu riêng bền vững

Ảnh: Vạn Tiếp

Để chuẩn bị cho niên vụ sầu riêng năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện đã tổng kết đánh giá niên vụ sầu riêng năm 2023. Trong đó đặc biệt lưu ý những khó khăn, vướng mắc của niên vụ trước để đưa ra giải pháp tổ chức, thực hiện tốt hơn. 

Chúng tôi tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng phải bảo đảm an ninh trật tự cho niên vụ này, tránh tình trạng chặt phá, trộm cắp sầu riêng cũng như chú trọng công tác quản lý doanh nghiệp, lao động từ những tỉnh khác về địa phương thu mua sản phẩm. Ngoài ra, chỉ đạo rà soát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói bảo đảm yêu cầu xuất khẩu của các thị trường. 

Chúng tôi cũng đang tập trung các phương án như phân luồng giao thông, bảo đảm lưu thông hàng hóa, tránh tình trạng kẹt xe ảnh hưởng đến giao thông trên địa bàn huyện. 

Để khắc phục tồn tại hạn chế về một số lô hàng sầu riêng bị Trung Quốc thông báo nhiễm cadimi, huyện đang tập trung chỉ đạo tăng cường quản lý mã vùng trồng, phải có chữ ký sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGap, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của thị trường Trung Quốc. 

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất sầu riêng an toàn, mang lại uy tín, chất lượng tốt nhất thì mới bảo đảm phát triển sầu riêng bền vững. Vì vậy, tại lễ hội sầu riêng lần này, ngoài những hoạt động chính ra thì huyện còn tổ chức hội thảo về phát triển ngành hàng sầu riêng, có mời các chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước và một số chuyên gia nước ngoài về tham gia hội thảo.

Lan Anh – Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc