Multimedia Đọc Báo in

Chữ "tín" của người đảng viên

17:26, 28/08/2024

“Tôi nghĩ, mình vẫn ở trong dân, từ dân mà ra, nên từ cụ già, em nhỏ, phụ nữ… , tôi đều rất tôn trọng và lắng nghe thực sự.

Vốn sống thực tiễn, ý kiến từ dân, tình cảm của dân, đó là nguồn không bao giờ cạn, bồi đắp cho mình nhiều lắm. Tôi thấy mình đi chưa được nhiều và còn muốn đi nhiều nữa. Nhưng điều quan trọng là phải chọn cách đi như thế nào cho thiết thực; đi để học dân, học thực tiễn, làm sao để chính sách, luật pháp đừng xa rời cuộc sống…”, sinh thời, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã trả lời câu hỏi của phóng viên về “Điều gì có ý nghĩa nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành” như thế.

Đó là năm 2008 - thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội, tổng kết nhiệm kỳ khóa XI và định hướng nhiệm kỳ khóa XII với rất nhiều công việc hệ trọng.

Trọng dân và học dân, điều đó đã thể hiện sự thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Lênin từng nhấn mạnh, đối với một đảng cầm quyền, “một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập và bảo vệ, dựng xây đất nước cũng đã minh chứng: liên hệ mật thiết với quần chúng là nguồn sức mạnh vô địch của Đảng ta và một trong những bài học lịch sử quý giá có giá trị muôn đời được Đảng ta rút ra, đó là “lấy dân làm gốc”.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi, gắn bó với nhân dân. Ảnh: laodong.vn

Đảng mạnh hay không là tùy thuộc trước hết vào nỗ lực chủ quan của chính bản thân đảng cộng sản, trong đó đảng viên là nòng cốt. Điều ấy cũng có nghĩa niềm tin của nhân dân vào Đảng liên hệ mật thiết với uy tín của đảng viên.

Ngay từ những năm 1990, trong bài “Cái làm nên uy tín đảng viên” đăng trên Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã phân tích: “Mỗi đảng viên, trước hết đảng viên là cán bộ lãnh đạo, có chức có quyền phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của dân, chăm lo đời sống hằng ngày của quần chúng, tìm hiểu nguyện vọng và lắng nghe ý kiến quần chúng, ủng hộ, học tập những kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng, giúp đỡ quần chúng khi gặp khó khăn, kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh gia trưởng, độc đoán, đặc quyền đặc lợi, trù dập, ức hiếp quần chúng và mọi hành vi vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Đây là một vấn đề hết sức quan trọng, một yêu cầu rất cần thiết đối với người đảng viên trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền. Nó quyết định sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên, cũng có nghĩa quyết định uy tín của Đảng trong quần chúng nhân dân”.

Nói đi đôi với làm, bản thân không chỉ nêu gương sáng về giữ vững bản lĩnh, cốt cách của đảng viên, trong suốt quá trình đảm nhận những trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao phó, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định sự kiên trì, quyết liệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm trong sạch đội ngũ của Đảng.

Trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chủ trì kết luận 36 phiên họp Ban Chỉ đạo, cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong các phiên họp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là: đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, vấn đề căn cơ là phòng ngừa từ xa, từ sớm; trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực phải đặc biệt phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Tinh thần chỉ đạo trong cuộc đấu tranh này: Ban Chỉ đạo và từng thành viên phải “đúng vai, thuộc bài”; hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực; thi hành đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; tập trung xử lý những khâu yếu, việc khó; khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “tham nhũng vặt”…

Sự quyết liệt, kiên trì ấy của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị xuất phát từ ý nguyện của nhân dân, nhằm một mục tiêu tối thượng là củng cố niềm tin của nhân dân, cũng chính là bồi đắp nguồn sức mạnh vô địch của Đảng.

Cả một đời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tận hiến vì nước vì dân: Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương/Nếu là chim hãy là chim câu trắng/Nếu là đá hãy là đá kim cương/Nếu là người hãy là người cộng sản. Nhân dân trân quý gọi ông là “người đốt lò” vĩ đại, là bác, là “Tổng tư lệnh của lòng dân”.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc