Multimedia Đọc Báo in

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát

18:03, 21/08/2024

Chiều 21/8, trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) các đại biểu tiếp tục chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; tài nguyên và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch.

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn đối với nhóm lĩnh vực thứ hai. Ảnh: quochoi.vn

Chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về các lĩnh vực trên, các đại biểu tập trung nêu ý kiến vào các vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính; công tác giám định tư pháp; đảm bảo công tác trật tự đô thị trong thời gian tới; nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; xử lý bất cập khi tích hợp giấy phép lái xe; hạn chế chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật… 

Trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của các đại biểu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc việc này…

Liên quan đến vấn đề về điều chỉnh quy hoạch đô thị và phân loại đô thị, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay chỉ có 5/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện được hình thành sau sắp xếp được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã và 58/104 đơn vị hành chính thị trấn chưa được phê duyệt quy hoạch. Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trước khi kịp thực hiện điều chỉnh quy hoạch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương cần nỗ lực hơn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để hoàn thành nhiệm vụ này. Bộ Nội vụ cũng đang tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình này.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk.

Trả lời về nội dung liên quan đến tiến độ xây dựng quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 139 năm 2024 để khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch đơn vị hành chính các cấp và đã phân công rất cụ thể đối với từng bộ, ngành, từng địa phương. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để làm căn cứ pháp lý cơ bản để thực hiện ổn định việc hoàn thiện đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng số các văn bản Chính phủ và các Bộ cần xây dựng và ban hành là 261 văn bản quy định chi tiết. Đối với 128 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết đã có hiệu lực, đến thời điểm này ban hành được 106 văn bản, còn nợ 22 văn bản; so với những năm trước, tiến độ ban hành văn bản tốt hơn.

Nêu rõ nguyên nhân của việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, có những văn bản nội dung khó, mặc dù đã được bàn thảo nhiều lần nhưng chưa có giải pháp. Một trong những giải pháp đặt ra là sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng quy định sát sao hơn và đôn đốc thực hiện tốt hơn cơ quan trình và Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ; tăng cường các cuộc làm việc trực tiếp để đôn đốc các cấp, các ngành tích cực soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu chất vấn tại phiên làm việc.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu về việc làm rõ có tình trạng lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật hay không, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết có biểu hiện của lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng văn bản pháp luật qua các vụ án tham nhũng kinh tế. Kết luận của các vụ việc có vi phạm do cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm tra công bố. Tuy nhiên mức độ của lợi ích nhóm đến đâu thì cần có căn cứ để khẳng định.

Vừa rồi Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 178-QĐ/TW quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Trong số các quy định mà Bộ Chính trị ban hành trong thời gian vừa qua liên quan đến các lĩnh vực khác nhau: kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật… thì Quy định 178 để kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực xây dựng pháp luật là khó hơn cả. Xuất phát từ đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế, đây là một công trình tập thể, kinh qua các giai đoạn khác nhau.

Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ quán triệt rất kỹ về công tác xây dựng pháp luật, nhận diện rõ những dấu hiệu của lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục hiện thực hóa vấn đề này trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung sắp tới…

Tại phiên làm việc, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí; Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cũng đã trả lời những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, chất vấn.

* Sáng mai (22/8), UBTVQH sẽ tiếp tục phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực này.

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc