Multimedia Đọc Báo in

Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch

15:13, 21/08/2024

Trong khuôn khổ chương trình Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), sáng 21/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT); công thương; văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL).

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu Đắk Lắk, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân chủ trì; cùng tham dự có các đại biểu Quốc hội công tác tại địa phương; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành hữu quan.

Đại biểu tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.
Đại biểu tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, UBTVQH tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn để xem xét việc thực hiện của Chính phủ, các bộ, ngành đối với 6 Nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của UBTVQH từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, UBTVQH triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của UBTVQH trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, UBTVQH; qua đó đánh giá một cách toàn diện, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ kịp thời, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát. Đồng thời, cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, UBTVQH với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được UBTVQH đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tiếp nối thành công của hoạt động chất vấn tại các kỳ họp vừa qua, tin tưởng rằng, với trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm thực tiễn công tác, trình độ chuyên môn sâu và nắm chắc tình hình thực tế ở các địa phương, cơ sở của các vị đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh thực trạng tình hình, có nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế cho Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước.

Tại phiên làm việc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu đã nêu chất vấn về các nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp: Việc tham mưu chính sách hỗ trợ nông sản; xử lý triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái; làm rõ khó khăn trong vận động Ủy ban Châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản với Việt Nam; tình trạng sụt, lún tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp bảo vệ thương hiệu nông sản; nâng cao sản lượng, chất lượng phân bón; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông sản xuất khẩu, đưa nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu chất vấn đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch như: Những khó khăn, giải pháp trong đẩy mạnh hoàn thiện công tác thống kê du lịch; vấn đề nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đa dạng sản phẩm du lịch ban đêm; tình hình thực hiện Thỏa thuận EMRA đối với dịch vụ du lịch; giải pháp thu hút nguồn lực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa…

Đồng thời, nhiều đại biểu cũng nêu câu hỏi về lĩnh vực công thương với các nội dung: Giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm về xuất xứ hàng hóa; điều hành giá điện; tình trạng bảo kê trong công tác quản lý thị trường; tạo điều kiện cho các hộ gia đình được bán lại nguồn điện dôi dư; tháo gỡ khó khăn trong phát triển năng lượng tái tạo; dự trữ xăng dầu trong thời gian tới…

Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) cho rằng: Công tác quy hoạch và xây dựng quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều địa phương và nhiều nơi vẫn chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Có nơi có thực hiện nhưng thực hiện thì thiếu đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch đất đai nên trong quá trình thực hiện gặp những rào cản, khó khăn.

Điều này làm cho sự phát triển nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và cũng có tình trạng của bà con tự phát trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng dẫn đến sự phát triển ngành nông nghiệp thiếu bền vững. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết những bất cập trên là trách nhiệm này thuộc về ai và có những giải pháp nào để khắc phục?

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk) nêu câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Trả lời vấn đề của đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt nêu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định: Vấn đề quy hoạch là vấn đề khó trong nền kinh tế thị trường và không thể nào làm được ở cấp độ tất cả các nông sản chủ lực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin: Đối với vùng Tây Nguyên, vừa qua Bộ đã tổ chức hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện quy hoạch các vùng nguyên liệu, đây là vùng nguyên liệu tập trung cho các ngành hàng chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, cao su và những ngành cây ăn quả.

Qua đó khẳng định, chỉ khi nào chúng ta có vùng nguyên liệu tập trung theo những tiêu chuẩn nhất định, có sự liên kết giữa nông dân thông qua các hợp tác xã với các doanh nghiệp và tạo ra những giá trị gia tăng từ những chính sách khác thì mới có được vùng nguyên liệu tập trung, cũng là một cách để tiến dần tới xây dựng thương hiệu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Mặt khác, tư duy mua bán mùa vụ, tư duy mua bán thương vụ vẫn còn rất lớn, do đó cần bền bỉ và các địa phương cũng phải tích cực tham gia cùng với Bộ NN-PTNT để giải quyết vấn đề này…

 

“Đối với vấn đề quy hoạch trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã trả lời khá rõ, cụ thể. Bộ nông nghiệp cũng đã có những định hướng chỉ đạo cơ bản. Biết rằng vấn đề này còn nhiều khó khăn do diễn biến trên thực tiễn hiện nay trong vấn đề phát triển nền nông nghiệp ở từng địa phương và theo nhu cầu của người dân. Tuy nhiên cũng mong Bộ NN-PTNT sẽ có những định hướng căn cơ hơn cho vấn đề này. Mặc dù hiện này không còn quy hoạch ngành, nhưng trong tích hợp với quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai thì cũng nên có những định hướng cụ thể, căn cơ để các địa phương từng bước tháo gỡ và có những định hướng, lộ trình cơ bản thực hiện nhiệm vụ này để nông nghiệp được phát triển bền vững…” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk).

 

Trả lời chất vấn của các đại biểu tại phiên làm việc, đối với vấn đề về các giải pháp để mở cửa tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: Trong thời gian vừa qua Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương liên tục có những nghị định thư với các nước để tiêu thụ nông sản ngoài việc tiêu thụ trong nước. Trong đó, vấn đề chuẩn hóa tất cả các tiêu chuẩn chất lượng nông sản là vấn đề lớn. Chúng ta không thể nói vấn đề tiêu thụ thị trường nếu hàng hóa của chúng ta không đạt được các tiêu chuẩn của thị trường. Do đó, cần quan tâm đến vấn đề cấp mã số, vùng trồng, vùng nuôi. Đây là vấn đề lớn đối với nền nông nghiệp nước ta.

Đặc biệt, việc xây dựng lại vùng nguyên liệu tập trung, liên kết thành hợp tác xã đủ mạnh là nhiệm vụ quan trọng để khắc phục tính manh mún của nền nông nghiệp. Chính sách để liên kết được những mảnh ruộng nhỏ trở thành những mảnh ruộng lớn, khu rừng nhỏ trở thành khu rừng lớn cần các địa phương quan tâm hơn nữa. Bộ có vai trò kiến nghị với Chính phủ để có những chính sách phù hợp. Khi chính sách có rồi thì việc hành động ở cấp độ địa phương cũng cần quyết liệt…

Trả lời chất vấn những nội dung liên quan đến lĩnh vực VH-TT-DL, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa. Thời gian qua, nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch. 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng trả lời các vấn đề đại biểu chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ VH-TT-DL đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới.

Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Đối với lĩnh vực công thương, trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phòng chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan để xử lý chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế; nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý thông tin về vi phạm gian lận thương mại; đẩy mạnh công tác truyền thông để người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình…

 Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đối với chất vấn của đại biểu về việc điều hành giá điện còn bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước chỉ thực hiện 3 chức năng là: Quy hoạch, Kế hoạch; cơ chế chính sách và thanh tra kiểm tra. Việc tham mưu chính sách trong vấn đề giá điện thực hiện đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Chính phủ vừa có quyết định đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) từ EVN chuyển về trực thuộc Bộ Công Thương, điều này sẽ đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ vận hành hệ thống điện. Đồng thời Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với khách hàng sử dụng điện lớn; sắp ban hành nghị định về khuyến khích sử dụng điện mặt trời áp mái… những biện pháp này từng bước làm thị trường điện hoàn hảo hơn…

Lan Anh 
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.