Multimedia Đọc Báo in

“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

08:28, 15/10/2024

Cách đây tròn 75 năm, trong bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, công tác dân vận là “cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây cũng chính là phẩm chất, tác phong không thể thiếu của người làm công tác dân vận. 

Xuyên suốt quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cho đến chặng đường xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk, công tác dân vận đã khẳng định rõ sứ mệnh “vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân”, không ngừng phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của nhân dân, thực hiện nhất quán theo tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 – 1945), công tác vận động cách mạng đã bắt đầu sau khi thực dân Pháp xây dựng Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trong chốn lao tù khắc nghiệt, các chiến sĩ cộng sản đã tìm mọi cơ hội để giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ binh lính, nhân viên y tế phục vụ tại nhà đày; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, móc nối, tuyên truyền gây dựng cơ sở cách mạng bên ngoài nhà đày; từng bước xây dựng và phát triển lực lượng Việt Minh để tập hợp nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Ban lãnh đạo Đảng bộ tỉnh tập trung chỉ đạo công tác vận động nhân dân tham gia củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang, diệt giặc đói, giặc dốt, thực hiện các quyền và nghĩa vụ thiêng liêng cách mạng đã mang lại.

Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy H’Kim Hoa Byă tặng quà các cháu Trường Mẫu giáo Cư Kbang (huyện Ea Súp).

Bước vào kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954), thông qua chỉ đạo hoạt động của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể, công tác dân vận đã tập trung vào việc bám dân, vận động quần chúng tham gia kháng chiến; tuyển chọn thanh niên bổ sung vào các đội công tác; tổ chức sản xuất, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho kháng chiến.

Qua đó tập trung tuyên truyền, giải thích đường lối "toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến" của Đảng, động viên bà con các dân tộc ra sức sản xuất và tiết kiệm để đề phòng nạn đói và đóng góp sức người, sức của cho cách mạng; phát động quần chúng đấu tranh phá tề trừ gian ở nông thôn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần rất quan trọng vào việc gây dựng cơ sở, phát triển thực lực cách mạng, động viên nỗ lực, ý chí của đồng bào các dân tộc hướng về kháng chiến; cung cấp sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho bộ đội đánh giặc. Hàng trăm con em đồng bào đã thoát ly gia nhập bộ đội, đội công tác; hàng nghìn gia đình trong vùng căn cứ cũng như vùng địch hăng hái tham gia phong trào du kích, đấu tranh phá tề, giành quyền làm chủ ở nông thôn.

Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), vai trò của công tác dân vận càng được thể hiện cụ thể qua việc xây dựng cơ sở cốt cán trong vùng địch kiểm soát; nắm lực lượng binh lính, dân vệ ở các dinh điền, buôn ấp để phát động phong trào đồng khởi phá kềm, phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn và động viên sức mạnh của quần chúng nhân dân xây dựng vùng giải phóng.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến, nhất là sau Hiệp định Paris, công tác dân vận đi đầu trong việc giương cao ngọn cờ hòa hợp dân tộc, tiếp tục huy động lực lượng quần chúng rộng rãi cả vùng ta và vùng địch tham gia cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình; động viên nỗ lực cao nhất của đồng bào các dân tộc để giành chiến thắng trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân 1975 lịch sử.

Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công tác dân vận ngày càng được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy được vai trò, chức năng tham mưu về công tác vận động quần chúng; nghiên cứu, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách nhằm củng cố khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; thúc đẩy phong trào hành động cách mạng của nhân dân.

Công tác dân vận đã làm tốt chức năng là cơ quan tham mưu cho các cấp ủy đảng về công tác dân vận, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo; là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ công tác dân vận của cấp ủy đảng; đồng thời, tham gia ý kiến ngày càng sâu rộng hơn với chính quyền các cấp trong việc thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng và Nhà nước, góp phần động viên sự nỗ lực của toàn dân thực hiện sự nghiệp đổi mới, xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng ổn định và phát triển.

Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, công tác dân vận ngày càng được quan tâm, đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, chuyển đổi số, sử dụng báo chí, truyền thông, mạng xã hội, internet để vận động, tuyên truyền; tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của nhân dân; nêu cao vai trò giám sát, phản biện, phát huy vai trò, quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Qua đó, đã khơi dậy được tình cảm, trách nhiệm cùng các nguồn lực vật chất và tinh thần to lớn của mọi tầng lớp nhân dân hăng hái, phấn đấu thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Đinh Nga

(Tài liệu tham khảo: Đề cương tuyên truyền của Ban Dân vận Tỉnh ủy)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.