Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát
Chiều 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV, các đại biểu xem xét, đánh giá các tớ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật gồm 3 điều, bám sát vào 5 chính sách đã trình Quốc hội trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 8 điều và bãi bỏ 1 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm - Trưởng Ban soạn thảo trình bày tờ trình. Ảnh: quochoi.vn |
Theo đó, về giám sát của Quốc hội: sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát; tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, chuyên đề giám sát của Quốc hội, UBTVQH, HĐDT, Ủy ban của Quốc hội, vấn đề được giải trình tại phiên giải trình của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội; phương thức, trình tự, thủ tục, thời gian, thời hạn thực hiện hoạt động giám sát;...
Đồng thời, dự thảo Luật bổ sung 3 điều quy định: Xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; Đoàn ĐBQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Về giám sát của HĐND: sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND, cơ quan của HĐND, đại biểu HĐND; tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp HĐND, tại phiên họp Thường trực HĐND, chuyên đề giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, vấn đề giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND; phương thức, trình tự, thời gian thực hiện hoạt động giám sát; việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu. Bổ sung 2 điều quy định về xem xét việc thực hiện nghị quyết của HĐND, Thường trực HĐND về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn.
Đại biểu tham dự phiên làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Về bảo đảm hoạt động giám sát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định tại 3 khoản của 2 điều về bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát; việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Đồng thời, bổ sung 2 điều quy định về cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát và ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND...
Ngoài ra, tại dự thảo luật cũng đã xây dựng 2 phương án đối với các nội dung quy định về bổ sung nguyên tắc mới trong Luật và quy định nội dung của nguyên tắc này trong một số điều của dự thảo Luật; thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật (UBPL) tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, cơ bản bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định. Bên cạnh đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục bổ sung, phân tích, làm rõ hơn một số nội dung được dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật để tăng tính thuyết phục.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn |
Về phạm vi sửa đổi, UBPL cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật để tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung luật hóa quy định tại các nghị quyết của UBTVQH; đồng thời nghiên cứu làm rõ để đề xuất sửa đổi một số nội dung khác có vướng mắc, bất cập, bổ sung một số phương thức giám sát, giải pháp đổi mới được đúc kết qua tổng kết thực tiễn cho thấy hiệu quả, cần thiết nhưng chưa được Luật quy định.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng phân tích và nêu rõ quan điểm của UBPL đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong đó, về bổ sung nguyên tắc mới của hoạt động giám sát, UBPL có 2 loại ý kiến, cụ thể: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát; loại ý kiến thứ hai tán thành việc bổ sung nguyên tắc mới như đề xuất trong dự thảo Luật.
Về bổ sung quy định cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp UBTVQH tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, UBPL không tán thành việc luật hóa nội dung này vì cho rằng đây là nội dung thuộc thẩm quyền của UBTVQH…
Trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội.
Lan Anh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc