Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tinh thần nghị quyết giúp người dân thoát nghèo

08:27, 21/11/2024

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết số 14-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV (gọi tắt là Nghị quyết 14), các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lắk đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, giúp các hộ dân khó khăn có thêm cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực tiễn hóa nghị quyết

Ngày 6/9/2023, Huyện ủy Lắk ban hành Nghị quyết 14 về phân công đảng viên giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2023 – 2025, định hướng thoát nghèo bền vững đến năm 2030. Theo Nghị quyết 14, huyện Lắk phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện giảm còn 20%, hộ cận nghèo giảm còn 11% (theo chuẩn nghèo mới); đến năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 12%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn dưới 7%.

Hưởng ứng nghị quyết, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy (trừ đảng bộ các xã, thị trấn) phấn đấu 100% đảng viên tham gia; định kỳ hằng năm, vận động mỗi đảng viên đóng góp ít nhất 1 ngày lương để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua sắm dụng cụ, trang thiết bị, cây giống, vật nuôi phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, hoặc hỗ trợ ít nhất 10 cây giống các loại (có giá trị kinh tế như sầu riêng, bơ, mít, chôm chôm, nhãn...) để người dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Đối với các đảng bộ xã, thị trấn, phấn đấu 100% đảng viên đang huởng lương từ ngân sách nhà nước đóng góp ít nhất 1 ngày lương/năm; đối với  đảng viên không hưởng lương từ ngân sách đóng góp ít nhất 2 ngày công lao động/năm để giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo sản xuất, phát triển kinh tế.

Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long (bìa trái) cùng cán bộ địa phương thăm mô hình trồng nhãn Hương chi của một hộ dân tại xã Bông Krang.

Trên tinh thần đó, bằng nhiều hình thức khác nhau, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện đã thực tiễn hóa Nghị quyết 14 phù hợp với tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Tính đến cuối tháng 10/2024, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Lắk đã đóng góp hơn 2 tỷ đồng để mua cây giống, con giống, dụng cụ sản xuất hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo.

Đơn cử như Đảng ủy xã Buôn Tría, sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 14, đã có 9 hộ gia đình khó khăn được các chi bộ trên địa bàn xã hỗ trợ kinh phí hơn 17,5 triệu đồng. Cụ thể, cán bộ, đảng viên Chi bộ Trạm Y tế xã đã đóng góp, hỗ trợ hộ bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Liên Kết 3) 1 triệu đồng chữa bệnh cho con gái; Chi bộ thôn Đông Giang 1 hỗ trợ hộ bà Nguyễn Thị Lương 1,5 triệu đồng mua xe đạp cho con; hỗ trợ hơn 1,6 triệu đồng mua cây giống và vật nuôi cho hộ bà Trần Thị Tiện… Tương tự, Chi bộ Khuyến nông - Bảo vệ thực vật và Chăn nuôi thú y huyện Lắk đã hỗ trợ 25 con gà lai chọi, 100 con ngan, 50 kg cám, 20 cây chôm chôm Thái và tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ dân trên địa bàn xã Đắk Nuê và xã Nam Ka...

Đồng hành cùng người nghèo

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 14, Chi bộ Ban Quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường hồ Lắk đã hỗ trợ 4 con bò giống tặng 4 hộ dân ở buôn Drung và buôn Cuôr Tak (xã Yang Tao). Ông Nguyễn Đức, Giám đốc Ban Quản lý rừng Lịch sử, Văn hóa, Môi trường hồ Lắk chia sẻ, việc Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk ban hành Nghị quyết 14 là hết sức thiết thực. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn chủ động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Đảng viên buôn Thái (xã Bông Krang) tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến với người dân.

Được sự phân công của chi bộ, đảng viên Lương Thị Quẩn (Chi bộ buôn Thái, xã Bông Krang) đã luôn đồng hành cùng gia đình anh Lữ Văn Ngân (thuộc diện hộ cận nghèo) và gia đình chị Lữ Thị Nguyệt (thuộc diện hộ nghèo) ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Chị Quẩn cho hay, được chi bộ giao nhiệm vụ, chị đã thường xuyên giữ mối liên hệ với chủ hộ để hướng dẫn, giám sát việc chăm sóc cây trồng, vật nuôi của gia đình. Qua đó giúp họ có điều kiện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng, tính đến thời điểm rà soát hộ nghèo, cận nghèo mới đây, gia đình anh Lữ Văn Ngân đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Theo Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long, với những định hướng đúng đắn, tư duy đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm của tập thể và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, sự đồng hành của mỗi cán bộ, đảng viên và sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ tinh thần Nghị quyết 14. Sau hơn 1 năm triển khai, Nghị quyết 14 đã và đang tạo ra luồng sinh khí mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.