Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người lính lê dương làm công tác địch vận

08:43, 27/12/2024

“Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder) là một tờ báo được viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp do Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo Erwin Borchers (người Đức, lính lê dương Pháp bỏ ngũ về với ta) thực hiện để kêu gọi những người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp.

Erwin Borchers  và tờ báo “Bạn chiến đấu”

Lính lê dương là những người nước ngoài đánh thuê cho Pháp. Năm 1941, chỉ có khoảng 100 lính lê dương được điều sang Đông Dương, trong đó có cả số người Đức và Áo. Nhưng từ năm 1946 đến năm 1954, có 72.833 sĩ quan và binh lính lê dương đã tham chiến tại chiến trường Đông Dương.

Khi thấy được sự ác ôn của thực dân Pháp, nhiều người lính lê dương đã bỏ ngũ để theo Việt Minh. Trong số đó có Erwin Borchers (người Đức), lính lê dương Pháp gia nhập Việt Minh sớm nhất từ năm 1945.

Báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder). Ảnh tư liệu

Erwin Borchers sinh năm 1906 tại Strasbourg (Alsace) khi ấy còn thuộc Đức. Ông học văn chương Đức và Pháp, từng tham gia các hoạt động chống phát xít và sau đó phải sang Pháp trốn sự truy bức của phát xít Đức.

Tại Pháp, Erwin Borchers lại bị quản chế vì bị tình nghi là gián điệp. Năm 1939, ông chọn con đường gia nhập quân đoàn lê dương của Pháp để thoát tù đày và hy vọng đứng dưới ngọn cờ Pháp chống lại phát xít Đức.

Sau 2 năm ở Algérie, Erwin Borchers được đưa sang Đông Dương. Khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương (9/3/1945), ông bị Nhật giam giữ một thời gian. Sau đó, ông bỏ ngũ, gia nhập Việt Minh.

Sau khi gia nhập Việt Minh, Erwin Borchers công tác tại tờ báo “Dân chúng” (Le Peuple) xuất bản bằng tiếng Pháp với nội dung phục vụ cho công tác địch vận. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Erwin Borchers phụ trách công tác địch vận, đối tượng vận động chủ yếu là lính lê dương gốc Đức và các lính lê dương gốc châu Âu.

Vì số người Đức trong đội quân lê dương Pháp lên đến hàng vạn người nên Đảng và Nhà nước ta chỉ đạo Erwin Borchers và các cộng sự tiến hành viết bài và ấn hành tờ báo “Bạn chiến đấu” (Waffenbrüder) bằng tiếng Đức và tiếng Pháp. Thực hiện chỉ thị của cấp trên, ông đã viết nhiều bài cho tờ báo với bút danh “Chiến sĩ”.

Ông Erwin Borchers. Ảnh tư liệu

Tờ báo “Bạn chiến đấu” in ra được giao cho du kích mang rải chung quanh đồn địch để kêu gọi những người lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp.

Thư gửi báo “Bạn chiến đấu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác địch vận. Năm 1948, Người nói: “Đánh mà thắng địch là giỏi. Không đánh mà thắng địch càng giỏi hơn. Không đánh mà thắng là nhờ địch vận”. Do đó, Người đã rất quan tâm đến tờ báo “Bạn chiến đấu”. Ngày 10/2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi báo. Trong bức thư, Người viết:

“Các bạn thân mến,

Rất cảm ơn các bạn về những số báo của Bạn chiến đấu. Đây là một vài ý kiến nhỏ đề nghị với các bạn: tờ báo này dành cho những người lính lê dương, những chàng trai vui tính, dễ cáu kỉnh, dễ cảm xúc chứ không phải là những người làm chính trị sâu sắc.

Bởi vậy, cần có những bức tranh, những bức vẽ khôi hài, những gì làm cho họ vui cười, những tin tức ngắn về nước Đức và nước Pháp – đặc biệt là những tin tức có liên quan đến đời sống của nhân dân (như không đủ lương thực tiếp tế, đình công, sự phiền nhiễu của các cơ quan cai trị…).

Nói tóm lại, cần làm cho họ cảm động, thoải mái, làm cho họ cười và khóc để lôi cuốn họ về phía chúng ta.

Không nên viết những bài dài.

Không nên viết những vấn đề chính trị lớn đương thời.

Các bạn nghĩ thế nào?”.

Sau đó vài tháng, phóng viên báo “Bạn chiến đấu” đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo “Cứu quốc” số 938 ngày 25/5/1948 chi nhánh số 6 in tại Liên khu X đã đăng lại bài phỏng vấn Người.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch ghét gì nhất?

- Trả lời: Ðiều ác.

- Hỏi: Chủ tịch cầu mong gì nhất?

- Trả lời: Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu.

- Hỏi: Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ cái gì nhất?

- Trả lời: Chẳng sợ cái gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì.

Năm 1950, báo “Bạn chiến đấu” đổi tên thành báo “Trở về” để tăng cường vận động lính lê dương từ bỏ con đường phục vụ cho thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), có 1.373 lính lê dương và 288 lính Pháp bỏ ngũ sang với Việt Minh. Nhiều người trong số đó đã có những đóng góp không nhỏ trong các ngành chỉ huy, tham mưu, kỹ thuật, huấn luyện, quân y, quân giới, tuyên truyền... cho ta.

Cuối tháng 2/1954, Erwin Borchers đến Điện Biên Phủ cùng đội tuyên truyền địch vận của ông. Họ đã thả truyền đơn và dùng loa kêu gọi lính lê dương cũng như các đơn vị lính Bắc Phi hạ vũ khí.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Erwin Borchers nhận một vị trí trong Bộ Tuyên truyền và sau này làm việc cho Hãng thông tấn ADN của Cộng hòa Dân chủ Đức tại Hà Nội. Năm 1965, ông cùng gia đình chuyển sang sinh sống tại Đông Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức). Ông mất vào năm 1984.

Nguyễn Văn Toàn


Ý kiến bạn đọc