Multimedia Đọc Báo in

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

07:15, 03/12/2024

Sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, một số kết quả đã đạt được nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Việc tổng kết Nghị quyết số 18 là yêu cầu rất cấp bách, khẩn trương, là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay nhằm xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”

Theo đánh giá của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc và đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, hợp lý...

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
 

Các cấp ủy đảng từ Trung ương đến cơ sở chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Đấu tranh có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc việc thực hiện chủ trương này; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và cơ quan, tổ chức”.

 
Tổng Bí thư Tô Lâm

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Các đồng chí cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng".

Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất lại; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.

Tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt

Khẳng định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu việc tinh gọn bộ máy phải loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém. Từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương Phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý 1/2025.

Định hướng, phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, các cơ quan Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.

Đề xuất kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại Nhà nước. Riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay.

Đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ; sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sẽ rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Đối với các địa phương, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.

Cùng đó là kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy khối cấp tỉnh; lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh.

(Chi tiết cụ thể truy cập vào đường link: https://baodaklak.vn/chinh-tri/202412/dinh-huong-phuong-an-sap-xep-tinh-gon-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-ae510a9/)

 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.