Multimedia Đọc Báo in

Gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”

08:45, 11/12/2024

Trên tinh thần "sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật" tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư, tài chính, tạo không gian phát triển, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp mang tính lịch sử với nhiều dự án mang tầm chiến lược.

Hàng loạt vấn đề vướng mắc trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều nhiệm kỳ được xem xét, giải quyết, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, đất nước, chăm lo cho nhân dân.

Đột phá trong xây dựng pháp luật

Từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta đều xác định đột phá về thể chế, với trọng tâm pháp luật là đột phá chiến lược, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho nhân dân. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển.

Đường Võ Nguyên Giáp được đầu tư xây dựng đã mở ra không gian phát triển mới cho đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: Vạn Tiếp

Trong Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV vào ngày 21/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu đặc biệt quan trọng, trong đó đều thống nhất một tư tưởng chỉ đạo, đó là yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp theo hướng vừa bảo đảm quản lý, vừa khơi thông nguồn lực gắn với thực tiễn phát triển của đất nước. Đây chính là kim chỉ nam để không những tháo gỡ nhiều điểm nghẽn thể chế hiện tại, mà còn là tiền đề để khơi thông cho việc xây dựng thể chế trong giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến đổi mới tư duy theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Chính tư duy “không quản được thì cấm” đã biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như nhiều điều kiện kinh doanh, các tiêu chuẩn, quy chuẩn không thể thực thi được, hạn chế sức sáng tạo và triệt tiêu cơ hội phát triển.

 

Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ "trên chính mảnh đất của mình", phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển”.

 
Tổng Bí thư Tô Lâm

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định một trong các mục tiêu và giải pháp quan trọng là xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, mở không gian cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững.

Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phải bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính. Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp họp thứ Tám, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Tại kỳ họp, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 luật, xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 4 nghị quyết quy phạm pháp luật với tỷ lệ tán thành cao; Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác. Đây là một trong những nỗ lực đột phá nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; giải quyết những vấn đề có tính tất yếu khách quan đặt ra từ thực tiễn.

Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức chưa thực sự rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo, có nơi bỏ sót nhiệm vụ. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương, Chính phủ với chính quyền địa phương chưa thực chất, chưa đồng bộ, hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm chậm tiến trình phát triển đất nước.

Để “cởi trói” trong chính bộ máy hành chính, đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, đây là thời điểm, là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu, khách quan không thể chậm trễ hơn cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Xác định là vấn đề khó, thậm chí sẽ có cả những lực cản chính vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải nêu cao quyết tâm chính trị bởi chậm trễ là có lỗi với nhân dân.

Trong đó, thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất sắp xếp lại bên trong; kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian; cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phân cấp phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống lãng phí, chuyển đổi số quốc gia, xã hội hóa các dịch vụ công...

Tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; "Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng" đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương triển khai quyết liệt. Ngay sau Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, nhiều cấp ngành, địa phương đã bám sát kế hoạch và đề xuất mô hình phù hợp, bảo đảm đúng tinh thần tổ chức bộ máy “Tinh -Gọn – Mạnh –  Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả”.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được nhân dân đặc biệt kỳ vọng, trông chờ với niềm tin về xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, để đất nước ta “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Lê Hương -  Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc