Multimedia Đọc Báo in

Khơi thông nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới

08:45, 11/12/2024

Với tinh thần không ngừng đổi mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, Quốc hội đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đặc biệt Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn; qua đó, tạo niềm tin cho các đại biểu và cử tri vào hoạt động của Quốc hội, góp phần khơi dậy và huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

* Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ:

Đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức lập pháp

 

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV với rất nhiều nội dung, đã rất thành công và có nhiều ý nghĩa quan trọng. Điểm sáng của kỳ họp lần này là số lượng và yêu cầu về chất lượng xây dựng luật của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, bám sát tình hình thực tế, Quốc hội đã rút gọn quy trình xây dựng luật. Cụ thể, những dự án luật đã rõ, bảo đảm căn cứ pháp lý, thực tiễn thì chỉ cần thông qua 1 kỳ họp; tăng cường các buổi thảo luận hội trường đối với các dự án luật phức tạp, có tính chất đặc thù, chất vấn các nghị quyết chất vấn, giám sát chuyên đề để nâng cao trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thực hiện cam kết với cử tri.

Nhờ vậy, Quốc hội đã thông qua được nhiều luật, nghị quyết quan trọng có ảnh hưởng lớn đến tình hình chung kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng như “1 luật sửa 4 luật” trong lĩnh vực đầu tư và “1 luật sửa 9 luật” trong lĩnh vực tài chính, ngân sách… là ví dụ điển hình cho việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo hướng “chuyển từ tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực” với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm: “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.

Quốc hội cũng kịp thời ban hành các nghị quyết với những chính sách đặc thù tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững như các nghị quyết liên quan đến vấn đề nhà ở, nhà ở xã hội. Điều này phản ánh rõ ràng rằng, Quốc hội rất lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng như giải quyết những yêu cầu của người dân trong quá trình lập pháp.

*Ông Nguyễn Hải Hưng, Chủ tịch UBND phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột:

Kỳ vọng vào những đột phá từ phân cấp, phân quyền

 

Qua theo dõi chương trình, nội dung và các phiên chất vấn của Quốc hội nhận thấy Quốc hội có rất nhiều đổi mới trong hoạt động. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn phản ánh không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn của nghị trường, không còn tình trạng kể lể, nêu thành tích hay chung chung mà đã thể hiện dấu ấn, sự hiểu biết, nắm vấn đề của các tư lệnh ngành. Các bộ trưởng đã rất thẳng thắn bày tỏ quan điểm, xác định rõ trách nhiệm của mình với những cam kết mạnh mẽ, cụ thể, rõ ràng hơn, có số liệu, nội dung, thời gian, đi thẳng giải quyết những thắc mắc, bức xúc của cử tri.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết, chủ trương lớn như các dự án đường sắt cao tốc, cảng hàng không quốc tế… Cử tri rất phấn khởi và dõi theo việc triển khai thực hiện các luật, chủ trương, nghị quyết mới như thế nào để nhân dân được thụ hưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt là chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với việc tinh gọn bộ máy Nhà nước. Việc đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa Chính phủ, chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt, tạo động lực thúc đẩy phát triển, là điều kiện tiên quyết để tổ chức bộ máy “Tinh – gọn – mạnh – hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Đây là vấn đề vừa cấp bách, vừa then chốt, có tính đột phá chiến lược, xóa bỏ các điểm nghẽn để từng địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông các nguồn lực, sáng tạo, phát triển. Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cũng sẽ góp phần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

* Thượng tá Vũ Đình Điệp, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Búk:

Từng bước hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước "cất cánh"

 

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV thể hiện rõ sự quyết tâm, nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội. Tại kỳ họp này, nhiều dự án luật, nhiều chủ trương, nghị quyết được thông qua có tác động sâu rộng, trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Qua đó đã hoạch định đường lối xây dựng và phát triển đất nước, củng cố niềm tin của cử tri vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Trong đó, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài hơn 1.500 km, tốc độ tàu chạy 350 km/h được cử tri đồng tình, ủng hộ và kỳ vọng rất lớn. Với tốc độ này, từ Hà Nội vào đến TP. Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 5 tiếng rưỡi. Dự án sẽ giúp kết nối ba miền Bắc - Trung - Nam, tốc độ vận chuyển hành khách và hàng hóa lưu thông rất nhanh, giảm chi phí, thời gian, mang lại nhiều giá trị, tiết kiệm chi phí. Tuyến đường này hoàn thành sẽ khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Để những chủ trương, nghị quyết, luật được Quốc hội ban hành thực sự đi vào cuộc sống, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rất mong Quốc hội tăng cường giám sát quá trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là giám sát việc thực hiện chủ trương phòng, chống lãng phí để không còn tình trạng nhiều dự án treo, triển khai dở dang, kéo dài, nhiều trụ sở công sau khi sáp nhập thì bị bỏ không hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và gây khó khăn cho người dân vùng quy hoạch...

Yến Ngọc (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc